'Bức tử' cây rừng ở Khu bảo tồn Tà Cú

Không chỉ ngang nhiên cưa hạ cây trái phép, đối tượng còn 'ken' cây trong rừng bảo tồn – kiểu đầu độc tinh vi, khiến cây chết hàng loạt, nhưng rất khó phát hiện…

New Page 1

Cây rừng chết đứng hàng loạt

Thời gian gần đây, người dân xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) vô tình phát hiện hàng loạt cây trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú bỗng dưng chết đứng trên diện rộng. Ngay khi nhận thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi lập tức vào rừng tìm hiểu thực hư. Tại một cánh rừng ở khu vực Núi Đất thuộc xã Tân Thuận – nơi người dân phản ánh, chúng tôi phát hiện hàng chục cây sến, dầu, cóc, dong đồng… bị cưa hạ vô tội vạ nằm ngổn ngang giữa rừng sản xuất, trong đó nhiều gốc cây có dấu cưa còn khá mới chứng tỏ hành vi triệt hạ cây rừng nơi này xảy ra cách đây không lâu, toàn bộ thân cây vẫn còn nằm tại hiện trường.

Một cây rừng bị cưa hạ tại khu vực Núi Đất, tiểu khu 302A.

Cách đó vài trăm mét, phóng viên tiếp tục ghi nhận hàng loạt cây (có cây đường kính đến 40 cm) trên diện tích khoảng 2.500 m2 bị chết khô một cách bất thường, vỏ bắt đầu bong tróc; trên thân cây có dấu khoan, đục khoảng vài tháng nay. Nhìn những cây chết đứng do bị khoan thân, ông T – người dân địa phương xót xa cho biết: “Đây là hành vi phá rừng bằng cách “ken” cây rất tinh vi. Để tránh bị phát hiện, đối tượng đã dùng rựa, đục khoan lỗ vào thân cây, sau đó đổ hóa chất vào lỗ khiến cây kiệt sức rồi chết dần”. Quan sát hiện trường có thể khẳng định, việc phá rừng này để chiếm đất trồng thanh long. Tại khu đất trống sát vị trí rừng bị đầu độc, hàng chục trụ bê tông được tập kết để chuẩn bị trồng thanh long. Theo lời ông T, 2 năm trước, khu đất trống này là rừng sản xuất thuộc khu bảo tồn. Bằng cách đầu độc cây rừng mà giờ đây khu đất này sắp trở thành diện tích cây thanh long.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là lần đầu tiên rừng Tà Cú ở xã Tân Thuận bị cưa hạ, đầu độc. Năm 2018, tại khu vực này cũng xảy ra 8 vụ phá rừng, hủy hoại rừng trên diện tích 1,2 ha, để chiếm đất. Khi lấy mẫu cây rừng bị chết, cơ quan chức năng xác định tất cả các mẫu đều có tồn dư hợp chất glyphosate – một hợp chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ phổ rộng không chọn lọc.

Tái diễn phá rừng và không xác định đối tượng

Ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết, khu vực rừng bị phá mà chúng tôi phản ánh thuộc tiểu khu 302A và 305A. Qua kiểm tra, bước đầu xác định có 151 cây bị cưa hạ, đầu độc trên diện tích gần 3.500 m2, đáng lưu ý vụ phá rừng tại tiểu khu 305A với diện tích 205 m2 là rừng đặc dụng – nơi mà rừng thuộc diện bất khả xâm phạm. Sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã xác lập hồ sơ, có công văn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam và UBND xã Tân Thuận đề nghị xác minh đối tượng để xử lý theo quy định. Đồng thời tiến hành kiểm điểm tập thể Trạm bảo vệ rừng Tân Thuận và các cá nhân liên quan theo quy định.

Được biết, năm 2019, rừng Tà Cú xảy ra 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 9 vụ so năm 2018), trong đó có 17 vụ phá rừng với diện tích 2,3 ha, 20 vụ lấn chiếm đất trên diện tích 5,2 ha. Ngoài ra, qua đo đạc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cũng xác định có 41 trường hợp trồng thanh long, xây nhà trong khu bảo tồn với diện tích 24,5 ha. Trước thực trạng phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã lập hàng chục hồ sơ, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan vào cuộc truy tìm đối tượng (kể cả 8 vụ phá rừng ở xã Tân Thuận) để xử lý nghiêm, nhưng chỉ có 3 vụ phá rừng trên địa bàn xã Thuận Quý là xác định được đối tượng, các vụ còn lại đều không tìm ra thủ phạm. Đặc biệt, 2 vụ phá rừng xảy ra vào năm 2019 tại xã Tân Thuận và Tân Thành đã khởi tố vụ án, do diện tích rừng bị phá vượt quá mức xử lý hành chính nhưng cũng trong tình trạng tương tự.

Nơi cây rừng bị đầu độc chết khô bị cưa hạ.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú: “Vì không tìm được ai là kẻ phá rừng nên chưa tạo sự răn đe đúng mức để phòng ngừa chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng vì thế càng thêm khó. Trong khi đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có diện tích 10.500 ha, tiếp giáp địa giới hành chính với 6 xã, thị trấn ở Hàm Thuận Nam. Khoảng 50km chiều dài rừng bảo tồn giáp với đất rẫy của người dân địa phương, mà không có mốc giới rõ ràng. Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng ở Tà Cú còn thiếu gần một nửa so với quy định. Với 10.500 ha, rừng bảo tồn Tà Cú cần 21 cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng hiện tại chỉ có 11 người”.

Trước thực trạng trên, đề nghị cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong việc truy tìm, xử lý đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là đối tượng phá rừng, hủy hoại rừng trái phép. Sớm cắm mốc ở những khu vực giáp ranh với đất rẫy của người dân để ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng; bổ sung lực lượng bảo vệ rừng theo quy định. Đồng thời xem xét, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan và người đứng đầu địa phương, trước hết là chủ tịch UBND cấp xã vì liên tục để xảy ra phá rừng nhưng không kịp thời phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

LÊ PHÚC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/buc-tu-cay-rung-o-khu-bao-ton-ta-cu-127318.html