'Bức tử' kênh mương thủy nông Đồng Cam

Kênh mương chính Nam và chính Bắc, hệ thống thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) lo nước tưới cho hơn 10 ngàn ha đất canh tác lúa.

Tuy nhiên hiện nay dọc 2 kênh này, vấn nạn rác thải và xây dựng công trình trái phép đã “bức tử” hành lang bảo vệ kênh.

Nhiều công trình xây dựng trái phép quan kênh chính Nam

Theo Cty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, tình trạng rác thải, xác gia súc gia cầm chết đổ dồn về đoạn cuối các cấp kênh, nhất là 2 kênh chính Nam và chính Bắc vẫn đang diễn ra, ngày một trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân, do một số người dân sống dọc 2 bờ kênh mương ý thức chưa cao. Để khắc phục, nhiều năm qua Cty đã cho công nhân thủy nông phụ trách kênh hàng ngày đi vớt rác thường xuyên, mới đảm bảo lòng kênh thông suốt, phục vụ cấp nước tưới gần 15.000 ha lúa/vụ.

Không chỉ “đau đầu” vấn nạn rác thải, mà tình trạng người dân tác động vào phạm vi công trình thủy lợi do Cty quản lý khá phức tạp. Các vi phạm như: xâm lấn đất công trình, phạm vi bảo vệ công trình để trồng cây cối, rau màu; Dựng vật kiến trúc, lều quán, chuồng trại chăn nuôi, tường rào trong hành lang công trình; Chăn thả trâu, bò trên kênh, đập đất gây sạt lở; Ngâm tre, gỗ gây cản trở dòng chảy; tự xẻ kênh để đặt ống lấy nước…

Để ngăn chặn, Cty đã tiến hành kiểm tra, thống kê những trường hợp vi phạm trên tất cả các công trình thủy lợi, đồng phối hợp với các địa phương lập biên bản các vi phạm, yêu cầu cam kết tự tháo dỡ, tự chặt cây trả lại phạm vi bảo vệ công trình.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Cty cho biết, thống kê có 754 vụ (trong đó kênh Bắc 274 vụ, kênh Nam 480 vụ) vi phạm pháp luật. Trong các năm qua, Cty đã kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ nhiều vụ vi phạm. Điển hình như: Xây dựng đấu nối hệ thống thoát nước mặt đường và xây dựng bó vỉa, vỉa hè trên kênh chính Nam (Đông Hòa) hay xây cầu trái phép trên kênh N1, N2, N3, kênh tiêu QL1 thuộc trạm kênh Nam và một số tuyến kênh thuộc hệ thống trạm kênh Bắc…

Nhưng dù cố gắng đến đâu, Cty cũng khó xử lý dứt điểm bởi đặc điểm của các công trình thủy lợi đều nằm ngoài trời, có công trình ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Trong khi đó công tác phối hợp giữa địa phương với đơn vị quản lý công trình thủy lợi chưa chặt chẽ; ý thức của người dân về công tác bảo vệ công trình còn hạn chế.

Các kênh mương người dân vứt rác bừa bãi

“Trong khi nhiều địa phương không quyết liệt ngăn chặn, còn né tránh, ỷ lại cho Cty. Như các tuyến kênh N2 nam đoạn qua chợ Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa); kênh N1 và kênh tiêu QL1 ra Sông Cạn đoạn qua phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa); các tuyến kênh N3, N3-2, N2-2, N2-2-2, N6, N6-1, N8 thuộc trạm Kênh Nam; các tuyến kênh N1, N2, N3, N3-1, kênh tiêu Bầu Dài thuộc trạm Kênh Bắc; kênh KC1, KC2 trạm bơm Phú Vang… Người dân xây cầu qua kênh và lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh để làm vỉa hè, bán hàng, nhưng chưa được giải tỏa”, ông Huệ nói.

Do đó, ông Huệ kiến nghị, đối với các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc gia cố, bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cty rà soát, thiết lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý, không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm.

Kiến nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ công trình thủy lợi; thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên thanh, kiểm tra và có biện pháp xử phạt nghiêm các vi phạm.

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên có công văn 2842-CV/VPTU gửi UBND tỉnh, đề nghị tổ chức làm việc với các đơn vị và địa phương bàn biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trên kênh chính Nam và chính Bắc. UBND tỉnh Phú Yên cũng có công văn 1182/UBND-KT giao Cty chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép để bảo vệ kênh mương.

KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/buc-tu-kenh-muong-thuy-nong-dong-cam-post215927.html