Bùi Thanh Bình – Người được cảm hứng ghé thăm

Tận mắt chứng kiến số lượng hiện vật khổng lồ mà ông Bùi Thanh Bình đã dày công sưu tập để rồi xây dựng nên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường...

Tận mắt chứng kiến số lượng hiện vật khổng lồ mà ông Bùi Thanh Bình đã dày công sưu tập để rồi xây dựng nên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tại phường Thái Bình, Tp. Hòa Bình tôi vô cùng thảng thốt. Thảng thốt trước một con người bình dị được sinh ra từ xứ Mường Động (Kim Bôi), sống và làm việc như bao con người khác (như tôi, như bạn, như tất cả những ai đang có mặt ở đây và cả những người chưa có được may mắn được đến Bảo tàng này). Điều khác biệt đến ngạc nhiên là ông Bùi Thanh Bình đã làm được một việc vô cùng lớn lao, đó là tự mình xây dựng được một bảo tàng lưu giữ những di sản văn hóa Mường trên đất Mường Hòa Bình.

Ông Bùi Thanh Bình (phải) giới thiệu hiện vật cho khách

Việc đánh giá tầm vóc bảo tàng, giá trị vật chất, giá trị văn hóa của hiện vật đã có những nhà chuyên môn lên tiếng và thời gian minh chứng. Còn riêng tôi, với tư cách người hoạt động văn học, nghệ thuật, tôi bị chinh phục bởi ý tưởng của ông Bùi Thanh Bình. Tại sao ông Bình nghĩ ra được điều tốt đẹp này? Và ông đã thực hiện điều mình nghĩ ra như thế nào để có được kết quả như hôm nay?

Thử đặt lại một giả thiết, nếu cách đây gần 40 năm, khi mới ngoài hai mươi tuổi, ông Bình cứ ở ngành Công an, hay ông là một người giàu có, liệu ông có nghĩ ra và làm được việc này không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi, mà suốt cả thời gian dài tôi chưa thể cắt nghĩa.

Nhưng tôi luôn khẳng định một điều: Nếu ông Bùi Thanh Bình chỉ có tiền, có rất nhiều tiền; hoặc ông Bình có quyền, quyền rất lớn đi chăng nữa thì chưa chắc có thể làm được việc này. Vậy thì do đâu?

cổng Bảo tàng

Chỉ đến khi tôi được đọc Diễn từ noben của Wislawa Szymborska -nữ nhà thơ người Ba Lan trong lễ trao giải Noben Văn học năm 1996, đến đoạn: “Cảm hứng không chỉ là độc quyền của các nhà thơ, nghệ sỹ nói chung. Trước đây, hiện nay và cả sau này luôn có một nhóm người được cảm hứng ghé thăm. Đó là tất cả những ai biết lựa chọn cho mình một công việc một cách có ý thức và thực hiện nó với một niềm say mê và trí tưởng tượng”, tôi mới vỡ òa: Bùi Thanh Bình chính là một trong những người “được cảm hứng ghé thăm”. Và đặc biệt là ông đã biết nắm bắt ngay lấy cảm hứng ấy mà nảy sinh ý tưởng, rồi bùng nổ sáng tạo. Từ đó, ông đã lựa chọn cho mình công việc sưu tầm, thu lượm, phân loại, giữ gìn cổ vật văn hóa Mường một cách âm thầm và kiên định. Ông và gia đình đã miệt mài lao động, miệt mài kinh doanh, từ Nhà hàng cơm lam Mường Động tại khu Suối khoáng, Kim Bôi đến bao công việc khác để sống, để có tiền. Và có tiền, ông lại biến nó thành vật thể. Từ chiếc chiêng cổ, thanh kiếm nhà lang, sừng trâu đong rượu, chum, vò đựng rượu…đến bát, đĩa, ấm chén của cụ kỵ người Mường xưa đã sử dụng. Thế nên, để từ hai tay trắng, gần bốn mươi năm sau, ông đã có trên 6000 cổ vật để mở ra một bảo tàng bề thế và quý giá như hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng. Rõ ràng, ông Bình đã “thực hiện công việc mình lựa chọn với một niềm say mê và trí tưởng tượng” rất cao.

Bộ lịch thẻ của người Mường

Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bùi Thanh Bình đã ra mắt và đi vào hoạt động đã được gần 5 năm, với hàng ngàn người cả trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên như nhiều người Hòa Bình, nhất là bạn bè của ông Bình đều biết, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường chưa thể tự nuôi được mình. Sự công phu, tâm huyết của ông Bình lại tiếp tục vật lộn để Bảo tàng sống và phát triển. Lấy ngắn nuôi dài; lấy xa nuôi gần…Vợ chồng Bình Bình (cả vợ ông Bình cũng tên là Bình) quyết định về Hà Nội mở 02 nhà hàng ẩm thực Mường tại 289B Kim Mã và 197 Chùa Láng để nuôi Bảo tàng của mình.

Thế mới hay, cảm hứng mới chỉ là cơi trầu chạm ngõ sự sáng tạo. Còn anh có chung thủy với công việc mình lựa chọn hay không, có say mê thực hiện công việc ấy hay không, có luôn luôn tưởng tượng thành quả của công việc ấy hay không lại là cả một vấn đề. Nhất là đối với công việc này, ông Bình và gia đình ông thực hiện nó trong suốt gần 40 năm.

Gần 40 năm, đối với một con người là một chặng đường quá dài. Thử hình dung từ hai bàn tay trắng lại trong cảnh đói nghèo, khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp, vừa vất vả kiếm sống, vừa sưu tầm, tích lũy hiện vật, vừa đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm ra đồng tiền để mua về những hiện vật giá trị và cả những thứ tưởng như vô giá trị trong từng ấy năm trời, quả là một thành quả kỳ vĩ.

một số hiện vật

Trước Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của gia đình ông Bùi Thanh Bình, tôi nghĩ, nói bao nhiêu cũng không đủ. Tôi xin trích mấy câu trong bài thơ “Bảo tàng” của Wislawa Szymborska mà tôi vừa nhắc đến bà ở trên:

Vì không có sự vĩnh hằng
Người ta đã sưu tập vào đây mười ngàn đồ cổ
Bàn tay đã thua chiếc găng tay
Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải
Còn tôi
Hãy tin là tôi đang sống
Cuộc chạy đua của tôi với chiếc áo dài
Vẫn đang còn sôi động
Ôi, nó mới bướng bỉnh làm sao?
Tựa như muốn mình bách niên tồn tại.

Những hiện vật tại bảo tàng của gia đình ông Bùi Thanh Bình nhắc tôi một chiêm nghiệm: Đời mỗi con người thật ngắn ngủi. Bàn tay ta đã thua chiếc găng tay. Bàn chân ta đã thua chiếc giày chúng ta từng đi. Vậy, mỗi người hãy sống tốt với nhau, cùng nhau làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.

Lê Va

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/bui-thanh-binh-nguoi-duoc-cam-hung-ghe-tham-3361252/