Buk-M2E khiến F-16I trả giá đắt khi không kích Syria?

Theo truyền thông Nga, hệ thống phòng không Buk-M2E của Syria đã đánh chặn một chiếc tiêm kích F-16I của Israel trong cuộc không kích tối 20/4.

Theo thông tin trên Avia, Không quân Israel đã âm thầm thực hiện cuộc không kích đêm 20 cho đến rạng sáng 21/4 nhằm vào một số mục tiêu gần khu vực thành phố Palmyra thuộc miền trung Syria.

Dù đã gây ra thiệt hại đáng kể cho những mục tiêu bị ngắm bắn nhưng tốp chiến đấu cơ Israel đã chịu tổn thất nặng khi một chiếc tiêm kích F-16I đã bị đạn tên lửa của tổ hợp Buk-M2E đánh trúng.

Phòng không Syria khai hỏa.

Ngay khi trúng đạn, chiếc F-16I phát nổ và bốc cháy rồi rơi nhanh xuống đất. Hiện tại, phía Không quân Israel vẫn chưa có bình luận chính thức nào về thông tin được đăng tải.

Không viết trực tiếp về thông tin vụ đánh chặn nhưng tờ Jerusalem Post cho rằng, việc hệ thống phòng không Syria đánh chặn được tiêm kích Israel là rất khó bởi Israel từ lâu đã bí mật nghiên cứu biện pháp đánh bại hệ thống tên lửa phòng không của Syria và Nga bố trí ở Damascus.

Tel Aviv đã có cách triệt hạ lưới lửa này với những S-300, Buk-M2E cùng hàng loạt vũ khí khác bằng việc sử dụng vũ khí chuyên dụng của mình là bom lượn thế hệ mới Spice 250.

Bom lượn Spice 250 có thể tấn công mục tiêu ở tầm xa với việc trang bị thêm đôi cánh nhỏ cho phép nó có thể bay một quãng đường xa từ máy bay phóng tới mục tiêu. Với khả năng này, nó cho phép máy bay nằm ngoài tầm phòng không đối phương nhưng vẫn dễ dàng khai hỏa.

Phương thức dẫn đường của Spice 250 tương tự bom Spice 1000 và Spice 2000. Theo đó, nó sử dụng dầu tự dẫn 2 chế độ: truyền hình (CCD) và ảnh hồng ngoại (IIR). Ngoài ra, trong chiến đấu còn có sự kết hợp với hệ dẫn đường quán tính INS, định vị toàn cầu GPS.

Khi chiến đấu, bom sẽ được lắp lên giá treo của máy bay. Mỗi giá treo có thiết bị kết nối truyền dẫn dữ liệu từ buồng lái máy bay tới bom.

Một khi quả bom được thả, nó bắt đầu tìm kiếm mục tiêu và điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách: Đầu tiên, đó là dẫn đường quang truyền hình CCD hoặc dẫn hồng ngoại IIR (khi điều kiện ánh sáng thấp) kết hợp hình ảnh, các thuật toán sẽ kiểm tra xem hình ảnh mục tiêu trong bộ nhớ của bom với hình ảnh đầu dẫn thu được có khớp không.

Bộ nhớ của bom có thể nạp đến 100 mục tiêu khác nhau, gồm hình ảnh về mục tiêu do tình báo cung cấp và tọa độ địa lý mục tiêu.

Nếu đầu dẫn CCD/IIR không thể tìm được mục tiêu vì bị che khuất, quả bom có thể tự động chuyển sang dẫn đường vệ tinh GPS và quán tính INS. Quả bom nhận dữ liệu về vị trí hiện tại của nó từ vệ tinh GPS, hoặc từ một hệ thống dẫn đường quán tính của máy bay mang phóng. Do đó có thể tính toán tọa độ của bom, của mục tiêu và dẫn đường cho bom đánh chính xác.

Trong trường hợp không tin tưởng vào hai phương pháp trên, sĩ quan điều khiển có thể tự điều khiển bom, qua đường truyền dữ liệu. Nhưng phương pháp này chỉ cho phép điều khiển được một quả bom. Với phương thức dẫn đường như vậy, Spice 250 được đánh giá có độ chính xác cực cao với bán kính lệch mục tiêu khoảng 3m.

"Spice 250 có thể tấn công mục tiêu trong vòng trên 160km, nó có kích thước nhỏ hơn so với bom Spice 1000 và 2000 nên tín hiệu phản xạ sóng radar rất thấp. Vì thế, nó gây khó khăn cho hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu đường không của đối phương.

Chiến đấu cơ có thể mang số lượng lớn bom cho phép phóng nhiều quả đạn cùng lúc về mục tiêu. Những khả năng như vậy khiến hệ thống phòng không Syria với S-300 và Buk-M2E rất khó nếu không muốn nói là không thể đối phó", tờ Jerusalem Post cho biết.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/buk-m2e-khien-f-16i-tra-gia-dat-khi-khong-kich-syria-3400824/