Bulgaria sẽ nỗ lực đàm phán với Gazprom về khí đốt

Ngày 22/8, Chính phủ lâm thời Bulgaria thông báo sẽ tìm cách đàm phán với hãng năng lượng Gazprom của Nga để nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên trước khi mùa Đông tới.

Bulgaria là quốc gia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga về khí đốt. Theo báo cáo, mức tiêu thụ khí đốt hằng năm của nước này lên tới 3 tỷ tấn m3. Hợp đồng của Bulgaria với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm 2022, tuy nhiên vào cuối tháng 4, Gazprom đã ngừng vận chuyển khí đốt sang Bulgaria sau khi chính phủ tiền nhiệm của nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp cho các hợp đồng khí đốt với Nga. Ngày 22/8, Bộ trưởng Năng lượng tạm quyền của Bulgaria, Rosen Hristov khẳng định việc đàm phán với tập đoàn Gazprom là không thể tránh khỏi để nối lại nguồn cung khí đốt tuy nhiên việc này sẽ rất khó khăn.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt đang hiện hữu trước mùa đông, Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Bulgaria đã đẩy nhanh việc xây dựng đường ống mới nối với quốc gia láng giềng Hy Lạp để vận chuyển 1 tỷ tấn m3 khí đốt kể từ tháng 10. Nước này đang tiếp tục đàm phán để vận chuyển khí hóa lỏng từ công ty Cheniere của Mỹ. Tuy nhiên, các đợt vận chuyển khí đốt mới hiện chỉ đáp ứng cho mức tiêu thụ của tháng 9 và một phần của tháng 10.

Trong bối cảnh không đảm bảo được nguồn cung và giá cả leo thang, các công ty công nghiệp của nước này đã hối thúc chính phủ lâm thời nối lại đàm phán với Gazprom. Tuần trước, Bộ trưởng Hristov khẳng định các cuộc thương lượng với Gazprom sẽ là phương án cuối cùng và nước này tập trung vào việc nối lại vận chuyển khí đốt theo hợp đồng hiện nay của Bulgaria.

Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 8, chính phủ lâm thời do Tổng thống Rumen Radev chỉ định bắt đầu sửa đổi các thỏa thuận do Liên minh cải cách trước đó thực hiện. Cách tiếp cận này cũng phần nào làm dấy lên sự không hài lòng của công chúng với chính phủ Bulgaria trong việc hướng tới độc lập khí đốt khỏi Nga./.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bulgaria-se-no-luc-dam-phan-voi-gazprom-ve-khi-dot-post965052.vov