Bún khô vào vụ Tết

BHG - Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023. Trong không khí nhộn nhịp, người dân nhiều nơi trên địa bàn xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) rủ nhau đi làm bún khô để bữa ăn ngày Tết thêm đậm đà hương vị.

Chị Nguyễn Thị Giáo sản xuất bún khô vụ Tết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11 Âm lịch là chị Bàn Thị Thẳn, thôn Gia Vài lại đi xe máy gần chục cây số đến thôn Châng để làm bún khô. Chị cho biết để làm được bún ngon thì điều quan trọng phải chọn được gạo ngon, theo chị loại gạo làm bún ngon nhất là gạo bao thai. Trước khi nghiền thành bột để làm bún thì gạo phải được ngâm 1 đến 2 đêm bằng nước sạch, sau đó rửa kỹ. Bún sau khi cắt khỏi máy ép sẽ được ủ đủ thời gian, sau đó đem phơi với nắng nhẹ, như vậy bún sẽ bóng đẹp và thơm mùi nắng, không bị gãy. Chị Thẳn cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là gia đình chị lại làm bún khô, muốn bún ngon thì phải ngâm rửa kỹ, phơi khô, cho vào túi bóng, bún có thể để được một năm, ngày Tết ăn bún vừa dễ mà không bị ngấy”.

Do người dân tự ngâm gạo, sản xuất ra thành phẩm nên bún khô được đảm bảo an toàn thực phẩm, không chứa hóa chất nên hầu như gia đình nào cũng vậy, dù bận đến mấy cũng cố dành thời gian tự ngâm gạo làm bún phục vụ cho mâm cơm ngày Tết thêm phần đầy đủ.

Hiện nay, ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang, dịch vụ làm bún khô khá phát triển. Để mở một xưởng không cần quá nhiều vốn, bên cạnh nhu cầu của người dân khá lớn thì máy móc dễ sử dụng cũng là một trong những yếu tố góp phần khiến nghề này ngày một thịnh hành. Những ngày cuối năm này, xưởng làm bún khô Tụng Giáo ở thôn Châng, xã Phương Thiện hoạt động gần như hết công suất. Khách hàng đến làm bún khô xếp hàng từ sáng cho đến tối mịt.

Chị Nguyễn Thị Giáo, chủ cơ sở sản xuất bún khô Tụng Giáo cho biết: “Cứ đến gần Tết thì nhu cầu làm bún khô của người dân tăng cao đột biến gấp nhiều lần ngày thường. họ ngâm bột từ nhà rồi mang đến đây làm, so với ngày thường thì phải gấp 3 lần, có ngày lên đến 1 tấn. Quy trình làm bún khô không khó, nhưng phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm nghề tỉ mỉ, cẩn thận. Đầu tiên, người làm bún phải mang gạo đi ngâm rồi vo sạch, tránh trường hợp gạo bị lẫn trấu và tạp chất. Sau đó mang gạo nghiền thành bột, tiến hành tách nước và cho bột vào khuôn ép. Sợi bún tươi làm ra mang phơi một ngày nắng hoặc sấy 4 - 5 tiếng đồng hồ mới có thể đóng gói bảo quản”. Với 100 kg gạo có thể làm ra khoảng 95 kg bún khô. Trung bình mỗi ngày cơ sở Tụng Giáo sản xuất 400 - 500 kg bún khô.

Sản phẩm bún khô được làm tại các xưởng trên địa bàn xã không chỉ cung cấp cho thị trường trong địa bàn mà còn cung cấp cho các huyện trong tỉnh. Bún khô cùng với phở khô cũng đã dần trở thành quà biếu mỗi độ Tết đến, Xuân về. Với người dân ở các vùng quê xã Phương Thiện sản phẩm bún khô không chỉ sử dụng vào ngày Tết mà cũng là loại thực phẩm dự trữ để dùng trong bữa ăn trong những ngày mùa bận rộn.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/bun-kho-vao-vu-tet-3727ff9/