Bun Pi May của những người lính bảo vệ biên giới Lào

Tháng 4, chúng tôi đến tỉnh Khăm Muộn, Lào khi người dân ở đây cũng như trên khắp nơi trên đất nước này đang nô nức đón Tết Bun Pi May. Hoa chăm pa trắng - đỏ, hoa osaka vàng rực dọc theo những con đường dẫn về Bua La Pha, Na Kai (tỉnh Khăm Muộn). 'Mùa xuân' Lào diễn ra giữa mùa khô với đồng khô cỏ cháy, nhưng vẫn vô cùng đẹp bởi những con người Lào hồn hậu, mến khách và điệu lăm vông vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng trong những giai điệu đặc trưng của đất nước Triệu Voi.

Đồn Biên phòng Ra Mai tặng quà chúc mừng năm mới Đại đội 311. Ảnh: Trúc Hà

Là đơn vị kết nghĩa nên đã thành lệ, mỗi dịp Bun Pi May, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình lại đến chúc Tết 2 Đại đội bảo vệ biên giới 311, 312 của Lào. Sau gần 2 giờ chạy xe, chúng tôi đã thấy Đại đội 311 (đóng quân ở huyện biên giới Na Kai) hiện ra trên đỉnh đồi, giữa những cây thông già hàng chục năm tuổi. Đại đội trưởng Bun Thạ Vi đón chúng tôi và bảo, đúng ra, lễ được bắt đầu từ 8 giờ sáng, nhưng mọi người đã quyết định dừng lại cho đến khi những người anh em Biên phòng Việt Nam tới.

Đại đội trưởng Đại đội 312, Trung tá Phăn Lạ Khon trực tiếp dẫn chúng tôi vào Trường Trung học cơ sở Thồng Khám (huyện Bua La Pha) để tặng quà năm mới và trao hỗ trợ 4 học sinh được đơn vị đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Trường Trung học cơ sở Thồng Khám có dãy nhà cấp 4 nằm giữa khu rừng già với những cây gỗ lâu năm, có cây phải 2 người ôm. Sổm Bắt, Hương Phôông, Lắt Nạ Pha Sỉ Vôông Sắc và On Xì Sỉnh May được báo trước nên quay lại trường đợi đoàn, dù các em đã về bản ăn Tết từ ngày hôm qua.

Tôi đặc biệt chú ý đến Sổm Bắt. Gia đình em chỉ làm nông trên khoảnh ruộng canh tác mỗi năm chỉ được 1 mùa. Bố đã mất, nhà Sổm Bắt đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Biết điều đó nên năm nào cũng vậy, ngoài số tiền 500 ngàn đồng/tháng, dịp Bun Pi May, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo bao giờ cũng tặng thêm quà để gia đình em đón Tết đầm ấm hơn.

Trung tá Phăn Lạ Khon là con của Thiếu tướng Khăm Phoong Phôm Mạ Kê Sỏn - một trong những người lính đầu tiên của Quân đội nhân dân Lào, sau này trở thành Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn. Khi biết có BĐBP Việt Nam đến chúc Tết, ông quyết định tổ chức ăn Tết trước 1 ngày để gia đình, họ hàng được gặp những người khách đặc biệt.

Thiếu tướng Khăm Phoong Phôm Mạ Kê Sỏn gắn bó với bộ đội Việt Nam không chỉ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ mà cả khi về hưu, gia đình ông luôn là địa chỉ quen thuộc của những người từ Việt Nam sang. Đó là đơn vị làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, đơn vị làm đường...Cũng như bất cứ gia đình nào khác, khi tiệc xong, mọi người cùng quây quần lại để múa lăm vông.

Những bài hát Hà Nội - Viêng Chăn, Tấm lòng Lào - Việt, Tình Việt - Lào do những người lính Biên phòng Việt Nam thể hiện thu hút được nhiều người vào lăm vông nhất và mang lại màu sắc đặc biệt cho Bun Pi May tại nhà Thiếu tướng Khăm Phoong Phôm Mạ Kê Sỏn.

Lần đầu tiên được đón Bun Pi May Lào, nên tôi cũng như Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai không khỏi bất ngờ khi đang ngồi, bỗng có người đổ nước vào cổ áo, vỗ vỗ, nói “khẻng heng” (sức khỏe). Người Lào sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, vào rừng nên nước là vô cùng quan trọng. Họ yêu quý nước, có lẽ vì thế mà ngày Tết năm mới không thể thiếu tục “té nước”. Còn đối với chúng tôi, ngồi dưới thời tiết gần 40 độ C thì việc được dội nước vào người là quá may mắn, dù chỉ để... giải nhiệt.

Vì công tác ở đơn vị kết nghĩa với đơn vị bạn, thường xuyên phối hợp, gặp gỡ nhau nên Trung tá Dương Đình Hoàn, Trung tá Lê Quang Hà, Thiếu tá Phan Đức Tri, Thượng úy Hồ Văn Quế ai cũng “dắt lưng” cho mình một chút vốn tiếng Lào được học qua những lần tiếp xúc, trong quá trình công tác. Còn đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 311, 312, bên cạnh việc nhiều người từng học tại Việt Nam thì dường như việc học tiếng Việt là việc mà người lính nào cũng nghĩ là nên làm.

Vậy nên, là phiên dịch cho đoàn khách, nhưng Đại úy Phạm Ngọc Thanh và Thiếu tá Lê Văn Tăng lại rất nhàn nhã. Và niềm vui năm mới khiến khoảng cách giữa người với người được rút ngắn lại, ngôn ngữ không còn là rào cản, bởi lúc này, chúng tôi hiểu, dù nói bằng ngôn ngữ nào thì những lời được nói trong cái nắm tay, cái ôm thật chặt chỉ có thể là những điều may mắn, hạnh phúc mà bạn dành cho mình. Bun Pi May của những người lính bảo vệ biên giới Lào vui không chỉ là niềm vui năm mới, mà còn vì có sắc màu của những người anh em kết nghĩa, chứa chan tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bun-pi-may-cua-nhung-nguoi-linh-bao-ve-bien-gioi-lao/