Bùng nổ đối đầu Trung-Mỹ mới, mở đường cho cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo loạt tổ chức quốc tế

Bloomberg đưa tin, mâu thuẫn mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trong tuần này tại Geneve, Thụy Sỹ khi các thành viên của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) bầu chọn tân giám đốc.

Mỹ đã và đang thực thi một chiến dịch ngăn cản ứng cử viên Trung Quốc Wang Binying giành được vị trí trên bằng cách vận động hành lang hơn 80 nước thành viên. Theo Washington, nếu ông Wang trúng cử, Bắc Kinh có thể lợi dụng quyền lãnh đạo WIPO để "đánh cắp" công nghệ.

Đáp trả, Trung Quốc cực lực phản đối và gọi các nỗ lực của Mỹ là một chiến dịch đen tối nhằm phủ nhận các tố chất của bà Wang. Ứng cử viên sinh năm 1952 từng làm việc tại WIPO trong 3 thập kỷ và đã tốt nghiệp tại các trường hàng đầu thế giới là Đại học California ở Berkeley và Đại học Columbia. Bắc Kinh cũng cáo buộc rằng, Washington đã dọa sẽ chặn các khoản vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho các nước lựa chọn bỏ phiếu cho bà Wang. Mỹ đương nhiên phủ nhận điều này.

Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York (ảnh: getty)

Theo Bloomberg, cuộc chiến tranh giành quyền lãnh đạo một cơ quan không quá nổi bật của Liên Hợp Quốc cho thấy quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai đối thủ Mỹ-Trung Quốc, ngay cả khi họ vừa ký kết một hiệp định thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay. Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian qua đã để lại những tác động không nhỏ tới thương mại toàn cầu, gây tắc nghẽn các chuỗi cung cấp và làm dấy lên lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

"Từ sở hữu trí tuệ tới an ninh mạng, từ phô trương sức mạnh quân sự truyền thống qua chiến tranh thương mại rồi tới ngờ vực xã hội ở mức độ người với người, sự ganh đua Mỹ-Trung đang gia tăng hiện diện trên mọi lĩnh vực của quan hệ song phương", ông Bates Gill, giáo sư về an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie, Australia nhận định. Ông Gill cũng là tác giả của nhiều cuốn sách được đánh giá cao viết về Trung Quốc.

Các thể chế đa phương là một trong những "chiến trường" mới nhất giữa hai cường quốc. Tháng 6/2019, ông Qu Dongyu từ Trung Quốc đã vượt qua ứng cử viên người Mỹ để trở thành người đứng đầu Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc. Tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ nhiệm cựu đặc phái viên đặc biệt về Triều Tiên Mark Lambert vào một vị trí mới với nhiệm vụ là tập trung đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế.

Trong một bài viết trên tờ Financial Times tuần trước, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro chỉ ra, Trung Quốc không nên lãnh đạo WIPO bởi vì những cam kết của họ về bảo hộ sở hữu trí tuệ không đáp ứng các tiêu chuẩn phương Tây. Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh muốn có ảnh hưởng lớn hơn tại Liên Hợp Quốc nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của mình, như cô lập Đài Loan.

Khi được hỏi về lời đe dọa từ chối các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: "Nước Mỹ không đe dọa các quốc gia khác, nó hợp tác với các nước để bảo hộ các quy định và giá trị quốc tế, bao gồm cả sở hữu trí tuệ. Những lời cáo buộc vô lý trong lĩnh vực này chính là bằng chứng hé lộ khát vọng cháy bỏng của một quốc gia nào đó muốn giành được quyền lãnh đạo WIPO".

Có 10 ứng cử viên đang chạy đua cho vị trí lãnh đạo WIPO và kế thừa vị giám đốc từ năm 2008 của ông Francis Gurry - người Australia. Trong số này không có công dân Mỹ nào; tuy nhiên Washington ủng hộ ông Daren Tang – giám đốc cơ quan sở hữu trí tuệ của Singapore. Ông Tang từng tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Georgetown, Washington.

"Các biện pháp đáng xấu hổ"

Bắc Kinh coi chiến dịch chống lại bà Wang là một phần trong những nỗ lực của Mỹ nhằm kìm nén sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian gọi bà Wang là người "có trình độ, khả năng cạnh tranh và nhiều kinh nghiệm nhất trong số các ứng cử viên".

"Để chèn ép Trung Quốc, Mỹ đang làm mọi cách có thể nhằm gây sức ép lên các nước khác, khiến họ từ bỏ ủng hộ cho ứng cử viên Trung Quốc với khẩu hiệu 'bất kỳ ai trừ người Trung Quốc'", ông Zhao nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh tuần trước. "Họ thậm chí còn đe dọa và tống tiền các nước kia bằng việc cắt viện trợ và nhiều biện pháp đáng xấu hổ khác".

Một quan chức giấu tên của Trung Quốc cho hay, không chỉ Bắc Kinh mà cả Mỹ và châu Âu đều có các vấn đề trong bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ, đồng thời cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ và còn đưa ra một khung pháp lý để làm vậy.

Hôm thứ tư và thứ năm (4-5/3), các thành viên của Ủy ban Điều phối WIPO sẽ có cuộc họp bỏ phiếu. Quá trình bỏ phiếu sẽ tiến hành theo nhiều vòng, với các ứng cử viên với số phiếu thấp nhất sẽ bị loại bỏ sau mỗi vòng.

Năm sau, có ít nhất 5 cơ quan Liên Hợp Quốc khác sẽ tiến hành bầu ra người đứng đầu mới. Do vậy, kết quả trong tuần này tại Geneva gần như chắc chắn chỉ là sự khởi đầu của cuộc chạy đua không khoan nhượng giữa các siêu cường.

"Ảnh hưởng tại các thể chế quốc tế là một hình thức quyền lực quan trọng trong thế kỷ 21 bởi vì nó có thể định hình các luật lệ và quy định của điều hành toàn cầu", giáo sư kiêm giáo đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Hong Kong Lingnan, Zhang Baohui phân tích. "Kết quả là, các nước lớn coi đó là một tầm cao mang tính chỉ huy. Chúng ta sẽ nhìn thấy thêm những đối đầu tương tự trong những năm tới".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bung-no-doi-dau-trung-my-moi-mo-duong-cho-cuoc-chay-dua-gianh-quyen-lanh-dao-loat-to-chuc-quoc-te-20200303173212625.htm