Bùng nổ dự án điện mặt trời

Hàng loạt dự án điện mặt trời trị giá hàng nghìn tỷ đồng liên tục được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư trong những ngày gần đây. Các dự án này sẽ giải tỏa 'cơn khát' về nguồn điện cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội, song việc phát triển một cách ồ ạt có thể gây nên một số hệ lụy.

Việc giải tỏa công suất điện mặt trời gặp khó khăn do việc đầu tư lưới điện chưa đáp ứng tiến độ dự án điện mặt trời. Ảnh: Hòa Phong

Việc giải tỏa công suất điện mặt trời gặp khó khăn do việc đầu tư lưới điện chưa đáp ứng tiến độ dự án điện mặt trời. Ảnh: Hòa Phong

Hàng loạt dự án mới

Tuần qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện mặt trời là Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 1 và Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Dự kiến cả hai dự án này sẽ vận hành, khai thác thương mại vào tháng 12/2019.

Trước đó, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2018, có hơn 120 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. Đến năm 2020, tổng công suất phát điện là hơn 6.100 MW và đạt 7.200 MW vào năm 2030. Trong số hơn 120 dự án, có 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở. Hiện cả nước vẫn còn hàng trăm dự án điện mặt trời đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.

Theo thông tin mới nhất (tính đến tháng 1/2019), Bộ Công Thương xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định vào quy hoạch điện mặt trời, gồm: Dự án Điện mặt trời Phước Trung (Ninh Thuận) có quy mô công suất 50 MWp; Dự án Điện mặt trời An Cư (An Giang) công suất 50 MWp; Dự án Điện mặt trời Phong Hòa (Thừa Thiên Huế) công suất 50 MWp…

Lý giải nguyên nhân ồ ạt đầu tư sản xuất điện mặt trời, một nhà thầu tư vấn trong lĩnh vực điện cho rằng có nhiều lý do, nhưng lý do đầu tiên phải kể đến là Chính phủ có cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời. Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Quyết định này đã thực sự tạo ra lực đẩy trong đầu tư điện mặt trời với mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 UScent/kWh và kéo dài tới 20 năm. Dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến cũng đưa ra biểu giá mua điện hấp dẫn.

Những cảnh báo

Trước tình trạng ồ ạt đầu tư các dự án điện mặt trời, các chuyên gia ngành điện nhận định, đây là một tín hiệu tốt với ngành điện, bởi cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, việc các dự án điện bùng nổ chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến một số vấn đề đáng lo ngại.

Một chuyên gia thuộc EVN cho biết, “do điện mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào biến động của thời tiết (mưa hoặc chỉ một đám mây bay qua cũng làm sụt giảm công suất…) nên ảnh hưởng đến tần số và điện áp của hệ thống điện, gây dao động hệ thống điện. Việc giải tỏa công suất điện mặt trời cũng là khó khăn do việc đầu tư lưới điện chưa đáp ứng tiến độ dự án điện mặt trời. Thời gian vận hành điện mặt trời thấp, khoảng 1.200 - 1.500 giờ/năm, trong khi các nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện thì số giờ vận hành là 5.000 - 6.000 giờ…”.

Thực tế cũng cho thấy, không phải dự án điện mặt trời nào cũng suôn sẻ. “Có rất nhiều nhà đầu tư hoàn thành dự án điện mặt trời rồi bán lại cho ngành điện để kiếm lời rồi về nước”, chuyên gia nêu trên cho biết và chỉ ra, khi dự án bị bán như vậy, nhà đầu tư mua lại phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, chẳng hạn như vấn đề pin.

Liên quan đến vấn đề pin, chuyên gia nêu trên nói thêm: Pin của điện mặt trời cũng giống như ắc quy, có thể sẽ có trục trặc trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, hầu như các dự án điện mặt trời hiện nay còn mới nên việc đánh giá chất lượng pin không thể “một sớm một chiều”.

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01/EPC-SolarCPC Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm, bảo hiểm công trình, chuyển giao công nghệ và đào tạo chuẩn bị sản xuất thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Sumec Complete Equipment and Engineering Co., Ltd. và Vietnam Electricity Construction JSC (Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam). Trong đó, Sumec Complete Equipment and Engineering Co., Ltd. đến từ Trung Quốc đảm nhận hơn 60% khối lượng gói thầu.

Trước đó (tháng 12/2018), Gói thầu số 7 Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (gói thầu EPC) trị giá hơn 700 tỷ đồng thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 cũng được trao cho nhà thầu Trung Quốc. Tháng 6/2018, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cũng trao gói thầu hơn 600 tỷ đồng cho một liên danh nhà thầu đến từ Trung Quốc…

Chuyên gia của EVN khẳng định với Báo Đấu thầu, đa số các dự án điện mặt trời của Việt Nam hiện nay dùng tấm pin của Trung Quốc, nhưng phần quan trọng là inverter thì của các nước thuộc nhóm G7. Tuy nhiên, chuyên gia này từ chối bàn về chất lượng của các thiết bị mà nhà thầu Trung Quốc cung cấp, thực hiện tại các dự án điện mặt trời.

Trung Hiếu

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/bung-no-du-an-dien-mat-troi-91659.html