Bùng nổ lừa đảo chợ đen thuốc, vật tư y tế giữa khủng hoảng COVID-19 tại Ấn Độ

Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải trước nhu cầu khám, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, tại Ấn Độ đã xuất hiện thị trường ngầm đối với hoạt động buôn bán thuốc, oxy, giường bệnh và kể cả dịch vụ mai táng.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ tử vong do các bệnh viện khan hiếm oxy. Ảnh: NYT

Nhiều bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ tử vong do các bệnh viện khan hiếm oxy. Ảnh: NYT

Giữa làn sóng COVID-19 lên tới đỉnh điểm, có lẽ bình chứa oxy rỗng là một trong những số ít tài sản được thèm khát nhất ở Ấn Độ. Các bệnh viện ở quốc gia Nam Á này rất cần bình oxy kim loại để cất trữ và vận chuyển nguồn khí quý giá này tới các bệnh nhân trên khắp cả nước.

Vậy nên, một tổ chức từ thiện ở địa phương đã rất tức giận khi biết được thông tin một nhà cung cấp đã nâng giá gấp đôi loại bình này, lên ngưỡng gần 200 USD/bình. Họ gọi điện báo cảnh sát và tiến trình điều tra sau đó cho thấy đây có thể là một trong những hoạt động lừa đảo nguy hiểm nhất liên quan đến thu lợi bất chính từ thị trường chợ đen với các sản phẩm, mặt hàng gắn với cuộc chiến COVID-19.

Bên trong một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi. Ảnh: NYT

Theo cảnh sát, thủ phạm là công ty Varsha Engineering, chuyên thu mua phế liệu. Doanh nghiệp này đã tiến hành sơn phủ bên ngoài với các bình cứu hỏa cũ, phù phép biến thành bình chứa oxy và bán ra thị trường. Hệ quả của hành vi này thật kinh khủng, bởi bình cứu hỏa với khả năng chịu áp lực ở mức thấp có thể sẽ phát nổ nếu được bơm đầy oxy áp suất cao.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai đang tấn công Ấn Độ, gây ra những thiệt hại to lớn về người, đẩy hệ thống y tế nước này vào ngưỡng quá tải. Các bệnh viện đông kín bệnh nhân. Thuốc, vaccine, oxy và các nguồn cung ứng y tế khác thiếu trầm trọng. Đó cũng là thời điểm để những kẻ hám lợi nhảy vào cuộc.

Thuốc điều trị, oxy và nhiều mặt hàng y tế được rao bán trên mạng, hoặc là qua các cuộc điện thoại chớp nhoáng. Trong nhiều trường hợp, kẻ bán hàng đã đánh đúng vào tâm lý lo sợ, hoảng loạng của các gia đình đang trong tình cảnh tuyệt vọng, túng quẫn.

“Những kẻ này, gọi đích danh là tội phạm mạng, đã xuất hiện. Chúng tận dụng thời điểm đại dịch để thực hiện các hành vi lừa đảo kiếm lời”, Muktesh Chander, Ủy viên Hội đồng đặc biệt của Sở cảnh sát New Delhi nói.

Một số mặt hàng là giả hoàn toàn, số khác có khả năng gây nguy hại cho bệnh nhân. Tuần trước, cảnh sát bang Uttar Pradesh đã buộc tội một nhóm người có hành vi sử dụng vải che cho người chết đã qua sử dụng để bán lại như mới. Trước đó một ngày, lực lượng chức năng tại bang cũng đã phát hiện 100 liều thuốc kháng viêm remdesivir giả.

Trong một tháng qua, cảnh sát New Delhi đã bắt giữ 210 đối tượng với các cáo buộc lừa đảo, tích trữ tạo khan hiếm với các mặt hàng, sản phẩm phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Bang Uttar Pradesh cũng bắt giữ 160 đối tượng dạng này. “Tôi đã từng chứng kiến mọi hành vi hút máu, cách hình thức [kiếm tiền] sa đọa. Nhưng hút máu và sa đọa ở mức độ như thế này là điều tôi chưa từng thấy trong 36 năm công tác”, Vikram Singh, cựu cảnh sát trưởng Uttar Pradesh nói.

Cảnh sát kiểm tra, niêm phong một nhà hàng khi người chủ có hành vi tích trữ oxy, bán lại với giá cao. Ảnh: NYT

Giữa tình cảnh đại dịch, nhiều người nhận thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài tìm đến thị trường chợ đen, dù biết chắc mức giá bị đẩy lên cao, còn hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Rohit Shukla, một sinh viên tại New Delhi, cho biết bà của anh qua đời vào cuối tháng 4 ở một bang lân cận thủ đô. Một lái xe cứu thương đã đòi 70 USD cho quãng đường di chuyển chưa đến 5 km từ bệnh viện tới khu lò thiêu, gấp 10 lần mức giá bình thường. Đến nơi, số nhân viên tại lò thiêu đòi số tiền củi đốt 70 USD, cũng gấp 10 lần bình thường.

Điều kiện khan hiếm tại bệnh viện khiến thị trường đen về huyết tương – mặt hàng được nhiều bác sĩ tại Ấn Độ dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19, bùng nổ. Cảnh sát thành phố Noida, bang Uttar Pradesh hôm 12/5 đã bắt giữ hai người đàn ông, với cáo buộc bán huyết tương với giá 1.000 USD/đơn vị. Theo cảnh sát, một trong hai người này đã lên mạng xã hội, cầu cứu được nhận huyết tương, sau đó bán qua một kẻ môi giới.

Thuốc kháng viêm Remdesivir là mặt hàng mà nhiều kẻ lừa đảo hướng tới. Cảnh sát New Delhi mới đây đã bắt giữ bốn người làm việc cho một số cơ sở y tế. Số này đã lấy nhiều liều remdesivir không dùng hết cho các bệnh nhân đã tử vong và bán với mức giá 400 USD/liều. Trước khi đại dịch bùng phát, các bệnh viện tại Ấn Độ tính mức phí 65 USD/liều tiêm remdesivir.

Gia đình Lucky Surin sống ở thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, vừa phải trả 1.400 USD cho một môi giới để các thành viên trong gia đình được tiêm 6 liều remdesivir. Gia đình Surin không có nhiều lựa chọn. Mẹ và người chị dâu của ông lúc đó ốm nặng. “Chúng tôi biết phải làm gì đây? Nếu bác sĩ kê đơn thuốc, bạn sẽ phải tìm cách mua để chữa trị mà thôi”, ông Surin nói.

Nhưng mua được remdesivir rồi vẫn còn đó nỗi lô về hàng giả, hàng kém chất lượng. Cảnh sát bang Guajarat đầu tháng này đã phát hiện, thu giữ 3.371 liều remdesivir giả. Khám xét một nhà máy, cảnh sát phát hiện ra đây là lô hàng được bọn buôn lậu, làm hàng giả pha bằng glucose, muối và nước. Nhiều trong số này đã được bán ra thị trường, tiêm cho bệnh nhân, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe.

“Nhiều người đang lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để thu lợi”, ông Anirudh Rathore nói. Ảnh: NYT

Những người tìm đến thị trường trợ đen đôi khi biết rõ họ đang chơi một canh bạc. Anirudh Singh Rathore, 59 tuổi làm nghề kinh doanh buôn bán mặt hàng vải ở New Delhi, là một trường hợp. Rathore chạy đôn đáo tìm kiếm remdesivir để tiêm cho người vợ mắc COVID-19. Ông mua được hai liều tại một hiệu thuốc bán theo mức giá của chính phủ, 70 USD/liều. Nhưng vẫn cần tới bốn liều nữa.

Lên mạng xã hội, Rathore kết nối được với một người đồng ý bán cho bốn liều, với mức giá 350 USD/liều. Kẻ bán hàng qua mạng chuyển hai liều tới trước. Đến khi nhận hai liều còn lại, Rathore phát hiện mẫu mã, tem đóng gói khác với lô trước. Người bán lý giải đây là sản phẩm của hai công ty khác nhau.

Nghi ngờ, nhưng do nồng độ oxy trong máu của người vợ xuống thấp, ông Rathore đưa hai liều còn lại cho bác sĩ. Bác sĩ tiêm cho vợ Rathore mà chưa thể khẳng định đây là remdesivir thật hay giả. Đến ngày 3/5, người vợ tử vong. Rathore làm đơn báo cảnh sát, một kẻ buôn remdesivir bị bắt, nhưng Rathore cũng bị cáo buộc phạm tội.

“Tôi lấy làm tiếc, bởi vợ tôi có thể đã sống sót nếu những liều tiêm remdesivir kia là thật.. Đó là một cuộc khủng hoảng về đạo đức”, Anirudh Rathore chia sẻ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bung-no-lua-dao-cho-den-thuoc-vat-tu-y-te-giua-khung-hoang-covid19-tai-an-do-20210517172917660.htm