Bùng nổ thương mại điện tử, thời cơ cho logistics?

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ vào khoảng 25%/năm, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics có thêm đơn hàng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, nắm tốt thời cơ, DN logistics cần phải liên kết để có được một chuỗi dịch vụ khép kín và đồng bộ.

Nhiều rào cản cho sự phát triển

Chia sẻ về tiềm năng của ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Công ty Lazada Express cho hay, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và mang lại doanh thu rất cao cho các DN. Đơn cử, với trang điện tử Alibaba, giao dịch trong một ngày có thể lên đến hơn 80 triệu đơn hàng. Với nhiệm vụ vận chuyển, giao nhận các đơn hàng, doanh số này là cơ hội lớn cho các DN dịch vụ logistics có thêm thị trường để phát triển.

Cơ hội là có, nhưng chi phí cao đang là một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ của các DN logistics Việt Nam chưa được ưu tiên lựa chọn sử dụng. Ông Vũ Đức Thịnh chỉ rõ, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu TMĐT, ở mức cao so với nhiều nước (trung bình từ 10-15%).

Năng lực còn hạn chế, dịch vụ chưa đa dạng, chưa có những chuỗi dịch vụ khép kín và đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng cũng là điểm yếu khác của các DN logistics Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) ngày càng cao hơn. Ông Nguyễn Trần Thi – Tổng giám đốc giaohangnhanh.vn nêu thí dụ, trước đây, chi phí giao hàng cho một đơn hàng toàn quốc là từ 40 nghìn đến 42 nghìn đồng, nay NTD chỉ chấp nhận trả 33 nghìn đồng. Cách đây ba năm, thời gian giao hàng cho các đơn hàng ngoại tỉnh khoảng 5 - 7 ngày, nay phải thực hiện trong 2 - 6 tiếng từ khi NTD đặt hàng. Thói quen của NTD hiện nay vẫn là giao hàng xong mới thu tiền nên đơn hàng có thể bị hủy nếu không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đơn hàng được giao nhanh cùng dịch vụ tốt là điều kiện quan trọng để DN logistics giữ được thị trường.

“Nhiều DN TMĐT nước ngoài vào Việt Nam như Lazada, Alibaba, Amazon… giúp NTD có lợi và DN logistics có thêm thị trường. Nhưng đòi hỏi và yêu cầu ngày càng cao của cả DN và NTD chính là sức ép buộc DN logistics trong nước phải thay đổi và nâng cao chất lượng dịch vụ mới có thể giữ được thị phần” – ông Nguyễn Trần Thi nhấn mạnh.

Chưa kể, với tính chất hình thức kinh doanh qua mạng, sự cố là điều không tránh khỏi. Chị Lê Hoa (Hà Nội) chia sẻ, chị có mua một chiếc váy Elisa cho con gái trên ứng dụng Lazada. Tuy nhiên, hình ảnh sản phẩm và hình ảnh thực tế lại khác nhau khá xa. Đơn cử, chiếc váy chị đặt có tay bồng, màu hơi nhạt, chiều dài đến gót chân nhưng sản phẩm chị nhận được lại dài tay, màu xanh đậm, chiều dài đến gối. “May mắn là con gái tôi thích chiếc váy này, nếu không tôi đã phải trả lại. Tuy nhiên, sự cố này là còn nhẹ. Nhiều lần khác, tôi mua hàng qua mạng từ các DN nhỏ, việc sản phẩm khác một trời một vực so với hình ảnh quảng cáo là rất dễ xảy ra” – chị Hoa bày tỏ.

Thực tế, sự cố kể trên là điều rất dễ gặp phải khi giao dịch qua mạng ở bất cứ đâu. Điều đáng nói là, DN đó đang thuê sàn TMĐT của một DN TMĐT khác để kinh doanh, cho nên việc mất uy tín của DN thuê sàn sẽ dễ gây nên việc NTD thiếu thiện cảm với dịch vụ kinh doanh của chính DN TMĐT. Do đó, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất với các giao dịch TMĐT là phải giữ được uy tín, tạo niềm tin của NTD. Niềm tin này phải được tạo dựng từ chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng chính xác, chất lượng phục vụ của shipper… Việc này DN TMĐT không thể tự xây dựng được mà còn cả sự chung tay của DN logistics, DN kinh doanh trên ứng dụng TMĐT…

Liên kết chặt hơn

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng các chuỗi dịch vụ khép kín, xây dựng hệ thống kho vận và trung tâm phân phối đáp ứng nhu cầu của khách hàng chính là giải pháp quan trọng giúp nâng cao năng lực cho các DN dịch vụ logistics hiện nay. Tuy nhiên, do hầu hết các DN logistics Việt Nam là DN nhỏ và vừa, hạn chế cả về vốn và năng lực nên cần có sự liên kết theo hướng các DN lớn làm “đầu tàu” để vận động, thu hút các DN nhỏ hơn cùng tạo thành chuỗi, cùng thực hiện các đơn hàng để mang lại chất lượng tốt nhất với chi phí rẻ nhất.

Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam nhấn mạnh: “DN logistics phải biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau để tạo ra một hệ thống các dịch vụ khép kín nhằm cạnh tranh tốt với các DN logistics có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Việc các DN TMĐT Việt Nam liên kết với các DN dịch vụ logistics theo hướng DN ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau cũng sẽ góp phần giúp DN logistics nâng cao sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Thi cũng nhấn mạnh, các DN logistics Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa khi cung cấp dịch vụ đang chỉ cạnh tranh về giá chứ chưa có các chương trình, dịch vụ tạo sự khác biệt. Khi quy mô TMĐT ngày càng lớn, cạnh tranh về giá không phải là giải pháp. Lúc này, DN logistics cần liên kết với nhau, chia sẻ các khâu trong chuỗi dịch vụ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, rào cản khiến DN khó hợp tác là do thiếu niềm tin, sợ các đối tác không đáp ứng được các nhu cầu mong muốn, sợ mất thông tin khách hàng… “Tuy nhiên, các DN phải hiểu rằng logistics cho TMĐT mới đang trong giai đoạn đầu tiên. Đây là cơ hội để bắt đầu và để thị trường ngày càng phát triển hơn theo hướng chuyên nghiệp hóa thì phải nhìn ra được các giải pháp về lâu dài chứ không chỉ nhìn cái lợi nhỏ đầu tiên. Liên kết là giải pháp duy nhất” – ông Thi nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu nhấn mạnh thêm, Bộ Công thương cùng các Hiệp hội, DN đang hướng tới việc xây dựng một liên minh các DN logistics để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, đẩy mạnh logistics và TMĐT cùng phát triển.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/36071202-bung-no-thuong-mai-dien-tu-thoi-co-cho-logistics.html