Bùng nổ tranh cãi giữa Anh và Hy Lạp về cổ vật

Tranh cãi ngoại giao đã nổ ra giữa Hy Lạp và Anh liên quan tới vấn đề hồi hương các tác phẩm điêu khắc Parthenon của Hy Lạp, sau khi London hủy bỏ cuộc gặp mặt đã lên kế hoạch giữa Thủ tướng hai nước. Động thái này được đánh giá là có liên quan tới những khó khăn chính trị trong nội bộ nước Anh, có nguy cơ làm tổn hại đến hình ảnh của London trong mắt các đối tác châu Âu và thế giới.

Tranh cãi ngoại giao vừa nổ ra giữa Hy Lạp và Anh liên quan tới vấn đề hồi hương các tác phẩm điêu khắc 2.500 tuổi của Hy Lạp, sau khi London hủy bỏ cuộc gặp mặt đã lên kế hoạch giữa Thủ tướng hai nước. Việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak từ chối gặp người đồng cấp Hy Lạp đã đặt ra những câu hỏi mới về mối quan hệ căng thẳng của Anh với các nước láng giềng châu Âu.

Căng thẳng bùng nổ giữa hai nước đồng minh

Theo kế hoạch, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis có chuyến thăm Anh và gặp Thủ tướng nước chủ nhà Rishi Sunak tại số 10 phố Downing vào ngày 27/11, trong đó đề nghị London trả lại các tác phẩm điêu khắc cổ Parthenon đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trước khi cuộc gặp diễn ra, Văn phòng Thủ tướng Anh đã quyết định hủy bỏ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Thay vào đó, London sắp xếp để Thủ tướng Hy Lạp hội đàm với Phó Thủ tướng Oliver Dowden. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp đã từ chối lời mời.

Bộ trưởng Giao thông nước Anh - Mark Harper cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị một cuộc gặp với Phó Thủ tướng Oliver Dowden, một cuộc gặp ở cấp rất cao. Chính phủ Hy Lạp đã quyết định không thực hiện điều đó. Họ có quyền đưa ra quan điểm đó. Và Thủ tướng Anh cũng thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về các cổ vật. Thật tiếc là Thủ tướng Hy Lạp đã không thể tham gia cuộc gặp với Phó Thủ tướng, dù chúng tôi đã nói rõ là Phó Thủ tướng sẽ rất vui được trao đổi về một số vấn đề quan trọng mà cả hai nước đang phải đối mặt hiện nay”.

Phản ứng trước quyết định trên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết trong một tuyên bố: “Tôi bày tỏ sự khó chịu khi Thủ tướng Anh hủy bỏ cuộc họp dự kiến của chúng tôi chỉ vài giờ trước khi diễn ra. Quan điểm của Hy Lạp về các tác phẩm điêu khắc Parthenon rất rõ ràng. Tôi đã hy vọng có cơ hội thảo luận những vấn đề này với người đồng cấp Anh, cùng với những thách thức quốc tế lớn hiện nay như vấn đề ở Gaza, Ukraine, biến đổi khí hậu và nhập cư. Bất cứ ai tin rằng quan điểm của mình là có cơ sở và công bằng thì không bao giờ ngại tham gia vào một cuộc tranh luận”.

Tranh chấp giữa Hy Lạp và Anh liên quan tới các tác phẩm điêu khắc Parthenon đã có từ lâu. Vấn đề này được coi là một trong những mâu thuẫn lớn giữa hai nước đồng minh, và đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hy Lạp coi các tác phẩm điêu khắc này là biểu tượng của đất nước mình, và họ có quyền cũng như cần phải thu hồi chúng. Trong khi đó, Anh lo ngại rằng việc trao trả cổ vật cho Athens có thể trở thành tiền lệ xấu khiến nhiều quốc gia khác cũng yêu cầu thu hồi cổ vật có nguồn gốc từ nước họ.

Tranh chấp gay gắt giữa Hy Lạp – Anh về cổ vật

Các tác phẩm điêu khắc Parthenon, còn được gọi là đá cẩm thạch Elgin, là tàn tích của bức phù điêu dài 160m bao quanh các bức tường bên ngoài của ngôi đền Parthenon ở Acropolis.

Tranh chấp giữa Hy Lạp và Anh liên quan tới các tác phẩm điêu khắc Parthenon đã có từ lâu

Là ngôi đền thờ nữ thần trí tuệ Athena, Parthenon được xây dựng từ năm 447 đến 432 trước Công nguyên và được coi là công trình đỉnh cao của kiến trúc cổ điển. Đền Parthenon đã trở thành biểu tượng cho quốc gia hiện đại Hy Lạp sau khi giành được độc lập khỏi Đế chế Ottoman vào năm 1832.

Vào năm 1801-1804, khi Hy Lạp còn nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman, nhà ngoại giao Lord Elgin, đại sứ của Vương quốc Anh tại Istanbul, đã ra lệnh dỡ nhiều tác phẩm điêu khắc khỏi Parthenon và chuyển chúng về Anh. 10 năm sau, Chính phủ Anh mua lại các tác phẩm từ Elgin. Kể từ đó, chúng được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

Sự hiện diện của các tác phẩm điêu khắc Parthenon ở Anh là chủ đề gây tranh cãi liên tục trong nhiều thập kỷ. Người Hy Lạp cho rằng đó là hành vi “trộm cắp” và các tác phẩm phải được trả về nơi chúng thuộc về là Athens. Về phần mình, người Anh cho rằng hành động của Elgin diễn ra với sự cho phép của Đế chế Ottoman, quốc gia đang cai trị Athens vào thời điểm đó.

Các tác phẩm điêu khắc Parthenon xuất hiện ở Anh là chủ đề gây tranh cãi liên tục nhiều thập kỷ

Tháng 12/2022, Giáo hoàng Francis quyết định trả lại Hy Lạp ba mảnh tác phẩm điêu khắc Parthenon mà các bảo tàng Vatican đã lưu giữ trong nhiều thế kỷ. Chỉ còn Bảo tàng Anh và một số ít nơi khác từ chối làm như vậy. Trong số 50% tác phẩm điêu khắc Parthenon nguyên bản còn tồn tại, khoảng một nửa ở Bảo tàng Anh và một nửa ở Athens. Bảo tàng Anh lưu giữ 15 tấm điêu khắc, 17 tượng điêu khắc và 75m của bức phù điêu nguyên bản.

Vào năm 1983, Hy Lạp lần đầu tiên đưa ra yêu cầu chính thức về việc hoàn trả vĩnh viễn tất cả các tác phẩm điêu khắc Parthenon trong bộ sưu tập của Bảo tàng Anh cho Hy Lạp. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thực hiện kể từ đó, nhưng tất cả đều không tìm được thỏa hiệp.

Hy Lạp đưa ra yêu cầu chính thức về việc hoàn trả vĩnh viễn tất cả các tác phẩm điêu khắc

Thủ tướng Mitsotakis đã nhiều lần kêu gọi Anh trả lại những tác phẩm này, thậm chí còn đề nghị cho Bảo tàng Anh mượn một số cổ vật quý giá khác của Hy Lạp để đổi lấy.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu: “Đây không phải là câu hỏi về quyền sở hữu. Những tác phẩm điêu khắc này thuộc về Hy Lạp, và về cơ bản chúng đã bị đánh cắp. Ví dụ, nếu bạn cắt đôi bức tranh Mona Lisa, một nửa ở bảo tàng Louvre, và một nửa ở Bảo tàng Anh, bạn nghĩ người xem sẽ đánh giá vẻ đẹp của bức tranh như thế nào? Đây chính xác là những gì đã xảy ra với các tác phẩm điêu khắc Parthenon. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận hợp tác giữa Hy Lạp và Bảo tàng Anh, để trả lại các tác phẩm điêu khắc cho Hy Lạp, để mọi người có thể chiêm ngưỡng chúng một cách đầy đủ và nguyên bản. Chúng tôi đã chờ đợi hàng trăm năm, và tôi sẽ kiên trì trong các cuộc thảo luận này”.

Thủ tướng Mitsotakis kêu gọi Anh trả lại những tác phẩm này

Trong những năm gần đây, một nhóm luật sư ở London đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Chính phủ Hy Lạp về trao đổi các tác phẩm. Nhưng Bảo tàng Anh cho biết chính quyền mới của Hy Lạp đã "từ chối thừa nhận" tư cách của những người được ủy thác đối với các tác phẩm điêu khắc Parthenon.

Về phía Vương quốc Anh, các bộ trưởng từ lâu đã phản đối lời kêu gọi trả lại các tác phẩm điêu khắc cổ cho Hy Lạp. Chính phủ Anh cũng bác bỏ các đề xuất về việc thay đổi luật để giúp các viện bảo tàng ở Anh dễ dàng giải quyết các yêu cầu hoàn trả hơn. Luật pháp hiện hành ở Anh cấm các bảo tàng trao tặng các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật quý giá. Chính phủ Anh lo ngại việc trả lại các tác phẩm điêu khắc Parthenon cho Hy Lạp có thể dẫn đến việc nhiều nước khác cũng yêu cầu trả lại các hiện vật gây tranh cãi khác.

Cựu thủ tướng Anh Liz Truss từng phản đối trả lại các tác phẩm điêu khắc Parthenon cho Hy Lạp, mặc dù ông George Osborne, Chủ tịch Bảo tàng Anh kiêm cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc Đảng Bảo thủ, cho rằng cần có một thỏa thuận để chia sẻ các tác phẩm này với Hy Lạp.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bung-no-tranh-cai-giua-anh-va-hy-lap-ve-co-vat-206751.htm