Bùng phát sai phạm về đất đai tại Bình Thuận

Cuối tháng 11/2019, UBND TP. Phan Thiết thông báo tạm dừng giao dịch đối với 132 thửa đất chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn

Thời gian qua, ngành chức năng liên tiếp phát hiện những sai phạm về công tác quản lý đất đai tại tỉnh Bình Thuận. Chỉ từ tháng 9/2019 đến nay, nhiều cán bộ lãnh đạo của TP. Phan Thiết và ngành Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cách chức, giáng chức, thậm chí bị bắt tạm giam do liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Làm gì để ngăn bùng phát sai phạm về đất đai tại Bình Thuận?

Cuối tháng 11 vừa qua, UBND TP. Phan Thiết thông báo tạm dừng giao dịch đối với 132 thửa đất được chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái pháp luật, có diện tích gần 171.000 m2, tại 3 xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm.

Nhiều địa phương tại Bình Thuận cấm biển cảnh báo về các dự án dân cư chưa được cấp phép.

Nhiều địa phương tại Bình Thuận cấm biển cảnh báo về các dự án dân cư chưa được cấp phép.

Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Thuận) xác định đây là tang vật trong vụ án vi phạm quản lý đất đai xảy ra tại TP. Phan Thiết, giai đoạn từ tháng 2/2016 đến 12/2018 nên tạm dừng chuyển nhượng cho đến khi có phán quyết của tòa án.

Thông tin này khiến anh Nguyễn Thành Vinh (đã đổi tên, trú TP. Phan Thiết), một trong số hàng chục người đã đầu tư vào mua đất ở xã Thiện Nghiệp, hết sức hoang mang. Bởi thời điểm năm 2018, đất gần sân bay Phan Thiết đang sốt, anh đã vay mượn tiền đầu tư mua hơn 1 sào đất. Nay khi hàng tháng anh vẫn trả nợ vay của ngân hàng thì nghe tin diện tích đất trên bị đình chỉ chuyển nhượng.

“Lúc tôi mua thì thấy đất đã chắc chắn ra được sổ từ đất nông nghiệp lên thổ cư, nên an tâm. Nay nghe tin đất này là tang vật vụ án thì tôi hết sức hoang mang, không biết rồi sau này có được sử dụng hay chuyển nhượng gì không?” - anh Vinh chia sẻ.

Liên quan đến vụ án vi phạm quản lý đất đai xảy ra tại TP. Phan Thiết, giai đoạn từ tháng 2/2016 đến 12/2018 này, hàng loạt cán bộ lãnh đạo, công chức của TP. Phan Thiết và Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận phải chịu các mức kỷ luật nghiêm khắc. Trong đó, trường hợp ông Trần Hoàng Khôi (Phó Chủ tịch TP. Phan Thiết), Phạm Thanh Thái (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) và Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết) bị bắt giam về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng với đó là một số lãnh đạo ngành Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cách chức, giáng chức.

Không chỉ tại TP. Phan Thiết mà tình trạng vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng cũng đang diễn ra phổ biến ở các xã, thị trấn tiếp giáp với Phan Thiết do huyện Hàm Thuận Bắc quản lý. Câu chuyện của chị Phạm Thị Tường Vy (trú TP. Phan Thiết) là một ví dụ.

Một con đường nhựa xây trái phép tại huyện Hàm Thuận Bắc bị dỡ bỏ.

Giữa năm 2019, chị Vy mua một lô đất nông nghiệp 1.000m2 tại thôn 7, xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) với giá 500 triệu đồng. Chị được chủ đầu tư dự án hứa hẹn sẽ hỗ trợ thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư. Chị quyết mua vì thấy xung quanh dự án đã có sẵn đường nhựa. Tuy nhiên, mấy ngày qua khi quay lại xem hiện trạng đất thì chị tá hỏa khi thấy các con đường nhựa tại đây đã bị tháo dỡ hoàn toàn.

Chị Vy cho biết: “Tình cờ vào thăm đất, lại thấy người ta ủi hết tất cả đường sá lên nên tôi rất bất ngờ. Tôi cũng bối rối không biết chủ đầu tư họ có phương án gì cho những người đã mua đất, cũng đang muốn yêu cầu xem xét như thế nào”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây chỉ là một trong số hàng chục công trình hạ tầng xây dựng trái phép tại các điểm dân cư tự phát thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện nay, ngoài xã Hàm Đức thì các xã, thị trấn khác như: Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp, Phú Long… đang xuất hiện các điểm dân cư tự phát với mục đích phân lô bán nền.

Một số điểm dân cư đã được Thanh tra tỉnh Bình Thuận chỉ ra trong Kết luận số 20/KL-TTBT năm 2019 rằng, không phù hợp xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

Việc các địa phương tại tỉnh Bình Thuận để xảy ra các sai phạm về đất đai, một số nơi có biểu hiện buông lỏng quản lý đã gây ra những hệ quả nặng nề. Kết luận số 1696 năm 2019 của Thanh tra Bình Thuận về công tác quản lý đất đai tại Phan Thiêt, giai đoạn 2/2016 đến 12/2018 cho thấy các cơ quan chức năng của TP. Phan Thiết đã cố tình xác định vị trí đất không đúng quy định để giảm nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Chỉ với 5 cá nhân được nêu tên trong Kết luận 1696 này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 5,7 tỉ đồng từ việc cố tình xác định sai vị trí đất. Không chỉ gây thất thoát ngân sách mà việc TP. Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái với các quy định pháp luật và Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận (cơ quan có thẩm quyền) cho phép cho phép tách thửa không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đã làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại 3 xã: Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm.

Tình trạng vi phạm phá vỡ quy hoạch đất đai kéo dài tại Bình Thuận gây bức xúc và tạo dư luận không tốt. Các cấp chính quyền cần nhanh chóng chấn chỉnh, siết chặt quản lý, không để Bình Thuận trở thành điểm nóng về đất đai./.

CTV Văn Thuận/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bung-phat-sai-pham-ve-dat-dai-tai-binh-thuan-986426.vov