Bừng thức Ba Bể

Ít ai nghĩ rằng, một thôn bản nằm heo hút ở một vùng núi xa xôi Tây Bắc, Việt Nam, lại được nhiều khách du lịch nước ngoài biết đến. Hơn 10 năm qua, nhiều khách nước ngoài lặn lội đường xa đến đây thưởng lãm và đã quay trở lại bởi sức hút của phong cảnh và văn hóa đặc sắc của người Tày.

Cảnh đẹp sững sờ trên đường vào thôn Pác Ngòi. Ảnh: L.A.

Đoàn công tác của chúng tôi tới thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đúng đợt rét đậm nhất của miền Bắc. Hôm đó, nhiệt độ ở thôn Pác Ngòi 4 độ C. Chúng tôi ngồi trên thuyền máy đi gần 30 phút từ Vườn Quốc gia Ba Bể mới vào được đến thôn Pác Ngòi. Gió lạnh buốt táp vào mặt. Cả hội co ro ôm nhau trên thuyền. Tưởng rằng chỉ có nhóm chúng tôi, ai dè khi vào thôn, chúng tôi gặp khá nhiều du khách nước ngoài, một nhóm khách Bắc Âu đang thong dong đạp xe quanh thôn.

Bản người Tày kết nối với thế giới

Đoàn chúng tôi tá túc nhà sàn Hoàng Nguyên homestay trong những ngày ở thôn Pác Ngòi. Gọi là nhà sàn nhưng cũng có phòng khép kín, có vòi tắm nóng lạnh khá tiện nghi. Chị Dương Thị Tuyết Lan, cán bộ ADB cho biết, đoàn đặt phòng tại đây vì họ có trang web, thấy cũng tiện lợi, sạch sẽ. Thôn Pác Ngòi nằm sâu trong Vườn Quốc gia Ba Bể, phải đi thuyền mới vào được. Gần đây, có thêm một lối đi bằng đường bộ, nhưng đi thuyền mới thú. Cảnh vật trong thôn rất thanh bình với lũy tre xanh, ruộng ngô bát ngát và nhà sàn san sát nhau.

Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng thôn cho biết, 100% người dân trong thôn là người dân tộc Tày, gần đây mới có thêm một nàng dâu người Dao.

“Không khí trong lành, cảnh vật yên bình, con người thân thiện và văn hóa đặc sắc”.

Cảm nhận của nhóm du khách Nga về du lịch cộng đồng ở Pác Ngòi

Ở cùng nhà trọ với chúng tôi có nhóm bốn thanh niên trẻ người Nga. Các bạn khoe vừa thuê xe máy đi lên Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang về. Khi tôi hỏi: “Sao lại biết nơi này?” Các chàng trai cười thân thiện rằng: “Nghiên cứu trên Internet”. Rồi họ cho biết, trước đây, họ không biết gì về Việt Nam. Khi có ý định đi du lịch châu Á một tháng, họ mới vào mạng tìm hiểu, tự lên lịch trình và đặt phòng qua mạng.

Cảm nhận của nhóm du khách Nga về du lịch cộng đồng ở Pác Ngòi: “Không khí trong lành, cảnh vật yên bình, con người thân thiện và văn hóa đặc sắc”. Họ cho biết, một ngày nào đó nhất định sẽ trở lại để tiếp tục khám phá những nét đặc sắc văn hóa nơi đây.

Giờ đây, Internet khá phổ biến ở thôn Pác Ngòi. Phòng trọ nào cũng có WiFi miễn phí. Nhờ thế giới phẳng, những du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể biết đến một thôn bản dân tộc Tày ở Việt Nam qua những lời nhận xét của du khách nước ngoài như amazing (đẹp sững sờ), authentic (nguyên bản hay giữ được bản sắc)...

Từ một nhà trong bản làm du lịch cách đây gần 20 năm, giờ đây số hộ làm du lịch cộng đồng (homestay) ngày càng nhiều cùng với sự tăng lên của du khách. Điều đặc biệt, người dân trong thôn Pác Ngòi rất đoàn kết, cùng nhau làm du lịch. Ông Ngôn Văn Toàn, người làm du lịch homestay đầu tiên của thôn cho biết, giá thuê phòng ổn định từ hơn 10 năm qua, đều một giá 70.000 đồng/người ngủ qua đêm, áp dụng khắp thôn, không phân biệt nhà to, nhà nhỏ, nhà đầu tư nhiều, nhà đầu tư ít. Hàng tháng, hàng quý, những người trong thôn họp nhau lại tổng kết, đánh giá công tác làm du lịch, rồi cùng chỉ bảo nhau cách làm các món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của khách nước ngoài như món bánh crepe, món trứng ốp lết ăn sáng…

Nơi trưởng thôn, Bí thư làm du lịch cộng đồng

Ông Hoàng Văn Chuyền, Trưởng thôn Pác Ngòi, hiện cũng là chủ doanh nghiệp du lịch homestay Hoàng Chuyền khá đông khách. Ông cho biết, ba năm trở lại đây, ông vay tiền ngân hàng để làm du lịch. Cuộc sống gia đình cũng khá lên nhiều. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế, từ ngày làm du lịch, ông Chuyền thấy vui khi được tiếp xúc với Tây, ta đủ cả. Hiện con trai và con dâu ông đang giúp ông quản lý dịch vụ homestay, từ trang web đến nhận khách, đón, nấu ăn, phục vụ khách. Những lúc đông khách quá, thì thuê thêm người trong thôn hỗ trợ.

Ông Ngôn Văn Toàn, người làm du lịch cộng đồng đầu tiên tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thúy Lê.

Doanh nghiệp có cơ ngơi homestay bề thế và chuyên nghiệp nhất ở thôn Pác Ngòi có thể kể đến nhà nghỉ Khánh Toàn với sức chứa hơn 100 khách/đêm. Chủ nhân của nó chính là ông Ngôn Văn Toàn, năm nay 70 tuổi, người đầu tiên làm mô hình du lịch cộng đồng này ở thôn Pác Ngòi. Ông Toàn nhớ lại, việc ông bắt đầu làm mô hình homestay hết sức tình cờ. Đó là khoảng năm 1996-1997, khi ông đang là bí thư thôn, thì có một nhóm du khách nước ngoài đi thăm Vườn Quốc gia Ba Bể và muốn tìm hiểu bản sắc của người Tày. Thế là người quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể giới thiệu tới nhà ông. Vị khách nước ngoài đó là ông Mitchell, Giám đốc Công ty du lịch Khám phá Việt Nam có trụ sở chính tại Nha Trang.

“Đợt đó, ông Mitchell dẫn một nhóm nhỏ du khách đến nhà tôi ăn ở. Tôi và vợ đích thân xắn tay làm cơm cho khách. Ông Mitchell khuyên tôi nên làm mô hình homestay. Lúc đó, tôi còn chẳng biết homestay là gì, nhà có gì chế biến nấy, thiếu thì chạy sang hàng xóm mua thêm. Đồ uống thì đã có café hòa tan khách mang theo. Ông Mitchell vừa làm người khảo sát, hướng dẫn, vừa phiên dịch luôn”, cựu bí thư Ngôn Văn Toàn kể lại.

Giờ con trai ông Toàn là anh Ngôn Văn Sơn nối nghiệp cha. Gia đình ông có xuồng riêng ra đón khách và có thêm một số dịch vụ du lịch như trekking (leo núi), bơi thuyền, đạp xe. Từ một đội văn nghệ chỉ có 8 người, giờ thôn Pác Ngòi có tới 4 đội văn nghệ phục vụ nhu cầu du khách. Những nghệ sỹ người Tày ban ngày vẫn ra đồng làm ruộng, trồng rau, chăn nuôi, tối lại xúng xính váy áo biểu diễn văn nghệ, chẳng nề hà công việc gì.

Đó chính là nét dân dã và bản sắc dân tộc lưu lại trong lòng du khách mỗi khi tới đây. Ông Toàn cho biết, trong hơn 20 năm làm du lịch homestay, ông chứng kiến nhiều khách du lịch trở lại lần thứ hai. Ông nói xong và chỉ vào hai du khách đang ngồi ăn sáng bên cạnh: “Hai vị khách này đã tới đây 5 năm trước và hôm nay họ về đây tìm lại đúng nhà họ đã ở năm xưa”.

Các du khách nước ngoài thích thú với múa sạp. Ảnh: L.A.

“Nàng công chúa ngủ trong rừng” bừng thức

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Bắc Kạn, Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể là cụm du lịch đặc sắc bậc nhất không chỉ của Bắc Kạn, mà còn của cả nước; là nơi tập trung hầu hết các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Bắc Kạn với các thắng cảnh: Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Đền An Mã, Động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng; Động Hua Mạ, động Nà Phoòng (căn cứ đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam), hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy…Các bản nhà sàn ven hồ với mô hình du lịch homestay được gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc lâu đời, như: Nghệ thuật hát then, đàn tính, múa khèn; lễ cấp sắc, lễ cầu mùa; nghề thủ công như: Đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu, thuốc nam, trồng trọt, đánh cá…(Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, bản Cám…).

Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới, thế nhưng ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình, các dịch vụ du lịch tại đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn tồn tại thời gian chết (từ 19g đến 20g30 không có dịch vụ vui chơi, giải trí). Tỷ lệ khách lưu trú tại các thôn bản ở đây chỉ từ 1,5 đến 1,7 ngày/người. Vào mùa mưa hầu như không có khách vì đường sá đi lại khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết, tỉnh đang dành ưu tiên số 1 cho Vườn Quốc gia Ba Bể phát triển du lịch. Tỉnh đang đề nghị đầu tư nâng cấp đường và quy hoạch để phát triển thêm các loại hình du lịch độc đáo như chợ đêm ở thôn Pác Ngòi, du lịch mạo hiểm, đua thuyền...nhằm kéo dài thời gian lưu trú của
du khách.

Từ mô hình tự phát ban đầu, du lịch cộng đồng tại các thôn bản ven hồ Ba Bể đã ngày càng phát triển chuyên nghiệp hơn nhờ các dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, với tổng mức đầu tư gần 12 triệu USD trong 5 năm từ 2009-2013 cho 5 tỉnh tại Việt Nam, trong đó có Bắc Kạn.

Nói về thành công từ các dự án do ADB tài trợ, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết: “Trước kia, nhận thức của người dân về du lịch chưa đầy đủ, chưa bài bản. Nhờ dự án, có đào tạo, hướng dẫn kỹ năng ứng xử với khách du lịch, gây ấn tượng với du khách. Do đó, hiện nay hầu hết khách du lịch đều thích đến với các bản có dự án của ADB hơn là nghỉ lại tại các nhà hàng, khách sạn bên ngoài”.

Lan Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bung-thuc-ba-be-1253671.tpo