Buộc chủ thuê bao chụp ảnh là 'vẽ rắn thêm chân'!

Từ ngày 24-4, người muốn mua SIM ngoài việc xuất trình bản chính CMND hay thẻ căn cước công dân… còn phải có ảnh chụp.

Không chỉ có thế, hàng chục triệu chủ thuê bao di động trả trước đã đăng ký thuê bao đúng theo quy định cũ có trước ngày này cũng phải bổ sung ảnh chụp. Nếu để quá hai tháng kể từ lúc nhà mạng gửi thông báo mà không hoàn tất yêu cầu này thì các chủ thuê bao sẽ bị cắt hai chiều nghe gọi. Đây là một đòi hỏi mới của Nghị định 49/2017 được ban hành, có hiệu lực vào ngày 24-4.

Theo Cục phó Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Lê Thị Ngọc Mơ, việc buộc nhà mạng chụp ảnh của chủ SIM là “đơn giản, nhanh gọn” nhằm xác định giao dịch có thật vì thông tin trên giấy tờ tùy thân (tên, tuổi, số CMND, ảnh chụp…) có thể bị sai hoặc không phải của chính chủ.

Thế nhưng cần lưu ý là cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Chiếu theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì dẫu với lý do gì nhà mạng cũng không được quyền muốn chụp ảnh ai là chụp.

Mặt khác, CMND có giá trị chứng nhận những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi quy định. Vì lẽ này Nghị định 03/2013 cho phép người dân được dùng CMND để thuận tiện thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ. Tương tự, Luật Căn cước công dân cũng cho phép chủ thẻ này sử dụng thẻ trong các giao dịch. Vậy sao Nghị định 49/2017 còn đòi cá nhân phải có thêm ảnh mới giao kết hợp đồng như thể muốn phủ nhận hiệu lực pháp lý của hai văn bản pháp quy này?

Việc e ngại có sai lệch thông tin nên phải “đẻ” ra việc chụp ảnh liệu có thuyết phục khi nhà mạng có nhiệm vụ đối chiếu, kiểm tra giấy tờ tùy thân có sẵn ảnh để bảo đảm thông tin thuê bao là chính xác và nếu họ không chịu làm như thế khiến SIM rác… tràn lan, mất kiểm soát thì cơ quan chức năng cứ theo quy định mà chế tài? Bên cạnh đó, nếu phát hiện có sự giả mạo hoặc dùng giấy tờ của người khác để mua SIM, các cơ quan thẩm quyền vẫn có thể xử phạt người vi phạm 200.000-500.000 đồng theo Nghị định 49/2017.

Bằng kinh nghiệm chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, nhiều cơ quan công chứng cho biết ảnh chụp không hề là giải pháp tốt bởi lẽ chân dung con người vẫn có thể thay đổi ngay sau đó. “Tính có thật của giao dịch sẽ được thể hiện qua việc đăng ký, giao kết hợp đồng với các thông tin thuê bao có đầy đủ căn cứ kèm theo thời gian, địa điểm cụ thể. Phương án chụp ảnh không nên duy trì vì chỉ gây thêm phiền nhiễu, hao tốn mà không giải quyết được gì” - nhiều công chứng viên chia sẻ như vậy.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản không bị xem là trái pháp luật nếu phù hợp với luật, thống nhất với các văn bản hiện hành của cùng một cơ quan. Ngược lại, khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo… thì chính cơ quan ban hành văn bản có thể tự mình sửa đổi, bổ sung.

Vậy nên, với Nghị định 49/2017, dư luận có quyền chờ Bộ TT&TT kịp thời xem xét, báo cáo Chính phủ bãi bỏ việc chụp ảnh khách hàng do không cần thiết, có thể gây lãng phí lớn và đang bị “chỏi” với nhiều quy định như đã phân tích ở trên.

THU TÂM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/theo-dong-su-kien/mot-nghi-dinh-ve-ran-them-chan-709933.html