Bước chuyển biến mạnh mẽ về ý thức

Nếu năm 2010, chỉ có 28% người tiêu dùng Bắc Giang quan tâm, mua sắm hàng Việt thì đến năm 2018, tỷ lệ này là hơn 90%. Người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng có xu hướng quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Để đẩy mạnh thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020), Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Chương trình hành động đẩy mạnh thực hiện CVĐ giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, có 100% người tiêu dùng, DN, doanh nhân trong tỉnh biết và hưởng ứng CVĐ; ít nhất 90% chợ, trung tâm thương mại ở thành phố, thị trấn và 85% trung tâm xã, chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các cụm, khu công nghiệp có điểm giới thiệu và bán hàng Việt Nam cố định, bền vững; 100% DN, doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa đạt quy chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân được mua sắm hàng hóa chính hãng, giúp DN có được điểm phân phối hàng Việt hiệu quả, Bắc Giang xây dựng thành công 20 điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn, phát triển hệ thống phân phối với 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 133 chợ truyền thống. Các cơ quan chức năng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư… Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ trong khuôn khổ CVĐ, các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng chủ động xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, chất lượng, cũng như giá có sức cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, Bắc Giang tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tham gia 34 hội chợ trong và ngoài nước; kết nối, đưa 21 nhóm hàng với 108 mặt hàng như: Rau Đa Mai, bánh đa nem Thổ Hà, mỳ Chũ, rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến… vào các hệ thống siêu thị (Big C, Co.opmart, Hapro...)

Những năm gần đây, tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu. Nhờ đó, nhiều loại nông sản, đặc sản của tỉnh, đặc biệt là vải thiều đã được phân phối rộng khắp đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, tránh được tình trạng được mùa rớt giá. Vụ vải thiều năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt hơn 147.000 tấn, với giá trị khoảng 6.365 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay. Hàng Việt đã trở thành sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Bắc Giang khi mua sắm.

Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối đã và đang chiếm tỷ lệ rất cao. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 60%. Về hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Trong đó, hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 65% lựa chọn là hàng Việt.

Thời gian tới, Bắc Giang định hướng tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, hệ thống bán lẻ, nhất là vùng sâu, vùng xa; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buoc-chuyen-bien-manh-me-ve-y-thuc-123375.html