Bước chuyển kinh ngạc ở Thanh Hóa

Sau gần 4 năm triển khai Đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025', bằng chiến lược bài bản cùng sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân, đến nay Thanh Hóa đã có bước chuyển mình kinh ngạc.

Đổi thay toàn diện

Đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền khẳng định: “Thanh Hóa chỉ đạo áp dụng tiến bộ KH-KT vào thâm canh các loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Về chăn nuôi, tỉnh nhận thấy đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển nên chủ động ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm kêu gọi các DN lớn tham gia đầu tư theo hình thức trang trại quy mô tập trung gắn với xây dựng nhà máy chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK. Các lĩnh vực khác cũng thực sự có chuyển biến hết sức tích cực”.

Thanh Hóa đã xây dựng được vùng lúa thâm canh hàng trăm ha

Trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thanh Hóa xác định chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững làm bàn đạp. Dựa trên tình hình thực tế lúc này, có thể khẳng định đây là hướng đi đúng đắn.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi thành công 14.806ha đất lúa và 4.625ha đất mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất nhận được sự đồng thuận lớn từ bà con nông dân, nhờ đó đã hình thành được một số vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến (vùng lúa thâm canh 132.000ha, mía 25.500ha, sắn 9.860ha, sản xuất hạt giống lúa lai F1 685,5ha, cao su 17.735ha, cói 3.300ha…).

Các mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội (sản xuất hạt giống lúa lai F1 quy mô 550 - 750 ha/năm; sản xuất giống lúa thuần đạt diện tích 3.000 ha/năm; sản xuất mía thâm canh đạt 7.350ha, trong đó diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 1.464,8ha; mô hình ứng dụng ngô biến đổi gen quy mô 50ha tại huyện Thọ Xuân...). Các chuỗi liên kết từng bước đi vào chiều sâu, hiện các công ty mía đường (Lam Sơn, Nông Cống, Việt Nam - Đài Loan) đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu mía trên địa bàn 18 huyện với tổng sản lượng trên 2 triệu tấn/năm; các nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu với tổng công suất gần 2.000 tấn/ngày.

Lĩnh vực chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, đang chuyển dịch mạnh sang hình thức tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư, điển hình là Cty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) khi xây dựng thành công Trại bò Thanh Hóa 2 tại Như Thanh; Cty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con; Cty CP chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 con bê nhập từ Úc; Cty CP thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư dự án Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 100.000 tấn/năm và 70.000 con lợn; Cty CP ứng dụng công nghệ cao Nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đầu tư dự án bò sữa với quy mô 20.000 con...

Mỗi năm trang trại của ông Nguyễn Hải Sơn thu lãi gần 1,5 tỷ đồng

Thông qua 2 chương trình 30a và 135, hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo khu vực miền Thanh Hóa đã được thụ hưởng các chính sách thiết thực của nhà nước. Giai đoạn 2018 - 2020, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tạo điều kiện cho hộ nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của 11 huyện miền núi giảm từ 4,6% năm trở lên (4 huyện miền núi thấp giảm từ 3,6% trở lên, 7 huyện 30a giảm từ 5,8% trở lên), đến 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 3,5 lần so với năm 2012.

Điểm nhấn trong lâm nghiệp là đưa công nghệ nuôi cấy mô thực vật, vi ghép vào sản xuất cây giống, cây ăn quả. Tính ra hàng năm tỉnh Thanh Hóa sản xuất được gần 1 triệu cây mô, hom, 30 triệu cây giống keo tai tượng Úc chất lượng cao. Bên cạnh đó đã xây dựng thành công mô hình thâm canh, phục tráng rừng luồng, đưa năng suất từ 2.100 cây/ha lên 3.600 cây/ha.

Trong thủy sản, cơ cấu theo hướng giảm số tàu công suất dưới 30CV, tăng tàu công suất từ 90CV trở lên (đến hết năm 2017, tổng số tàu cá 7.447 chiếc, tổng công suất đạt 576 nghìn CV, công suất bình quân 84,8 CV/tàu, số lượng tàu khai thác xa bờ 1.801 tàu, tăng 469 tàu so với năm 2014). Khai thác thủy sản chuyển dịch từ đánh bắt ven sông sang đánh bắt xa bờ, sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng giá trị sản xuất.

Miền Tây thay da đổi thịt

Mỗi vùng miền đều có đặc thù riêng biệt, với người dân vùng cao điều cấp thiết nhất là thay đổi tư duy, nếp nghĩ, sớm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Từ thực tế nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở, đơn vị chuyên ngành thực hiện quyết liệt mục tiêu “giảm nghèo bền vững” thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Để thực hiện có hiệu quả, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”; UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành nhiều Kế hoạch (số 18/KH-UBND, số 159/KH-UBND, số 35/KH-UBND), phê duyệt các Đề án (Phát triển cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm đặc sản có lợi thế trên địa bàn các huyện miền núi đến năm 2020; Hỗ trợ giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ nghèo cao vùng miền núi, không nằm trong danh mục xã đặc biệt khó khăn; Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020…) có liên quan; UBND 11 huyện miền núi ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU…

Nhằm tạo động lực kích cầu, tỉnh Thanh Hóa cũng linh hoạt ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù (xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh quy mô 2ha trở lên; hỗ trợ phân bón 2 năm đầu thực hiện thâm canh rừng luồng, mức 2 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ mua máy cấy bằng 30% giá mua máy, tối đa không quá 120 triệu đồng/máy; hỗ trợ mua máy thu hoạch lúa bằng 20% giá mua máy, không quá 150 triệu đồng/máy…).

Keo là cây trồng chủ lực của đồng bào miền núi

Có bước chuẩn bị kỹ càng nhưng do đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức còn lắm hạn chế, cộng với nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình khá khiếm tốn nên quá trình thực hiện đối mặt với muôn vàn vấn đề. Song được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, trên hết là nỗ lực vượt khó của đồng bào, khó khăn dần được đẩy lùi, nút thắt dần được tháo gỡ, bộ mặt miền Tây xứ Thanh thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), các chính sách cơ bản đã đến được với người dân và đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang gắn với thị trường.

Thay đổi nếp nghĩ là tín hiệu đáng mừng nhất, thay vì chăm chăm công tác “xóa đói giảm nghèo”, ngày ngày trông ngóng 3 bữa no, giờ nhiều địa phương sẵn sàng làm cuộc thay đổi lớn (Ngọc Lặc, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh…), nhiều hộ dân vùng cao xứ Thanh tự tin hướng đến việc làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Huyện Ngọc Lặc là điểm sáng về làm giàu. Xác định đất rừng là tư liệu không thể thiếu, ngay từ đầu địa phương đã tiến hành giao khoán đến từng nhóm, hộ gia đình quản lý để đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi thông qua hình thức gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, từ chỗ ngày đêm đối mặt với nạn khai thác tài nguyên rừng, đến nay đã hình thành sâu rộng phong trào trồng mới, bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh và khai thác rừng trồng một cách hiệu quả.

Cơ cấu nông nghiệp toàn huyện nhìn chung có bước chuyển dịch rõ nét, nhất là về lĩnh vực chăn nuôi, hiện có nhiều trang trại, gia trại được xây dựng quy mô để thay thế dần mô hình nông hộ nhỏ lẻ trước kia.

Đi đầu trong phong trào này phải nhắc đến hộ ông Nguyễn Hải Sơn, ở làng Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn. Được sự hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng trang trại khép kín, hiên đại quy mô trên 100 lợn nái ngoại, hơn 700 lợn con, tổng đàn cả năm trên dưới 2000 con. Đầu ra duy trì ổn định giúp trang trại xuất đều đặn 3 lứa lợn/ năm, tổng doanh thu đạt trên 4,8 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình lãi ròng suýt soát 1,5 tỷ đồng.

VIỆT KHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/buoc-chuyen-kinh-ngac-o-thanh-hoa-post220225.html