Bước chuyển mạnh mẽ về cải cách hành chính của Hà Nội sau 15 năm

Đến nay, chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đứng trong tốp 10 của cả nước, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2022.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ngày càng phát triển theo hướng trở thành đô thị khoa học công nghệ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, công tác cải cách hành chính của thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mạnh mẽ, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn và hiệu quả. Đến nay, chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đứng trong tốp 10 của cả nước, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2022.

* Tăng tính chủ động cho địa phương

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, thủ đô Hà Nội xác định việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Đây là nhiệm vụ thiết thực nhằm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá chiến lược trong chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”, trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế-xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi”.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, thành phố đã ban hành hai Nghị quyết số 23/NQ-HĐND thông qua Đề án phân cấp, ủy quyền và Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, điểm nổi bật của Đề án phân cấp, ủy quyền của thành phố Hà Nội là tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã. Cho phép các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có khả năng cân đối được ngân sách, có năng lực tổ chức thực hiện tốt thì được sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố.

Đến nay, Hà Nội đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước 16 lĩnh vực theo Nghị quyết số 21 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Toàn bộ thủ tục hành chính đều có quy trình thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

* 100% “một cửa” hiện đại

Đến bộ phận “một cửa” của các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, điều dễ thấy là bộ phận “một cửa” đều khang trang, hiện đại và đặc biệt là không còn khoảng cách khác biệt giữa xã và phường - khác hẳn thời điểm mới mở rộng địa giới hành chính. Hiệu quả rõ rệt của bộ phận “một cửa” là toàn bộ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đều được giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, không còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ ở phòng chuyên môn, tránh sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, các đơn vị tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và công khai ở bộ phận “một cửa” để thuận tiện cho người dân tra cứu.

Đặc biệt, ngày 10/11/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379/QĐ-UBND phê duyệt Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, quy mô diện tích tối thiểu bộ phận “một cửa” phải đạt từ 40m2 trở lên; bảo đảm đủ 1 máy tính/1 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, có kết nối internet và thông suốt; máy scan/1 máy tính đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ tại bộ phận “một cửa”...

Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Đến nay, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố về cơ bản đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2022, toàn thành phố đã tiếp nhận giải quyết xong 1.050.339 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 1.045.875 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,58%.

Cùng với việc bố trí địa điểm, đầu tư xây dựng bộ phận “một cửa” đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, thành phố Hà Nội cũng quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố đã thực hiện hiệu quả các đề án: “Thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015 của thành phố Hà Nội”; “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”. Năm 2022, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động triển khai phong phú hình thức phục vụ người dân, như: mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban Nhân dân phường Quán Thánh (quận Ba Đình), mô hình “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban Nhân dân thị trấn Phú Minh và xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên), mô hình “Một cửa thân thiện, hiện đại, gần dân” tại Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ… Đây là những hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính của thành phố Hà Nội.

* Bộ máy chính quyền phường tinh gọn, hiệu quả

Ngay sau khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị quyết và Nghị định này được thành phố tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng, các tầng lớp nhân dân.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường cũng được thành phố tập trung tiến hành để đảm bảo việc thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, Ủy ban Nhân dân phường là cơ quan hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân quận.

Tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận, thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Công tác phối hợp giữa chính quyền phường với các cơ quan, đơn vị cơ bản được đảm bảo và có hiệu quả cao; vai trò lãnh đạo của Đảng ủy phường với Ủy ban Nhân dân phường và các tổ chức trong hệ thống chính trị tại phường được đảm bảo. Việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường đảm bảo sự linh hoạt trong việc lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ, không nhất thiết là người địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín ở địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại phường với Ủy ban Nhân dân phường có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được đảm bảo, phát huy hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp hoặc thông qua chương trình giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác quản lý nhà nước được thực hiện đầy đủ chức năng. Phương thức hoạt động của Ủy ban Nhân dân thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và các phường đều đạt kết quả tốt, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh. Hội đồng Nhân dân quận, thị xã đã thực hiện được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; chủ động theo dõi, giám sát và đôn đốc trả lời, giải quyết được số lượng lớn kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Hà Nội xác định cải cách hành chính là khâu then chốt để giải quyết mọi vấn đề. Ảnh minh họa: TTXVN

* Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, vì dân

Nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, vì dân, trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đều lựa chọn chủ đề công tác năm phù hợp. Điển hình như năm 2017, thành phố chọn chủ đề công tác năm là “Năm kỷ cương hành chính”, nhằm tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Năm 2018 và 2019, thành phố chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Năm 2020 là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”. Năm 2021, 2022, 2023, thành phố chọn chủ đề là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Có thể thấy, việc lựa chọn chủ đề phù hợp theo từng năm, từng thời điểm đã phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần vào kết quả tích cực chung của thành phố. Điển hình là dù trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, thu ngân sách thành phố vẫn đạt 111,8% dự toán trung ương giao. Đặc biệt là thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Năm 2022, thành phố hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nổi bật là tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,89%, cao nhất trong 10 năm qua. Thu ngân sách lần đầu vượt mốc 300.000 tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, bằng 106,6% dự toán. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách thành phố đã đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa.

Với quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hằng năm, thành phố đánh giá và tổ chức hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính đối với 22 sở, cơ quan tương đương sở và 30 Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; giao Ủy ban Nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với Ủy ban Nhân dân cấp xã, các phòng chuyên môn trực thuộc. Thành phố thực hiện điều tra xã hội học, đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hằng năm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đưa kết quả Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2022 xếp thứ 3 trên cả nước.

Đặc biệt, từ năm 2021, Hà Nội đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021. Đến nay, Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đây chính là thành quả của các cơ quan, đơn vị triển khai những biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong thực hiện tương tác với chính quyền.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Việc khai thuế điện tử được áp dụng phổ biến, đạt 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh. Năm 2022, chỉ số hài lòng (SIPAS) của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, là năm thứ 5 liên tiếp ở vị trí này.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Với khối lượng công việc không nhỏ, trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân, nhưng với quyết tâm chính trị, thành phố chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.

Có thể thấy, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, địa bàn rộng lớn hơn, khối lượng công việc đồ sộ hơn, song với quyết tâm cao, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân./.

Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buoc-chuyen-manh-me-ve-cai-cach-hanh-chinh-cua-ha-noi-sau-15-nam/301386.html