Bước chuyển mạnh về chất

1. Đánh giá cán bộ nói riêng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị nói chung - xem xét từ nhiều khía cạnh - luôn là công việc hệ trọng, khó cả về định tính lẫn định lượng. Đây cũng là vấn đề được bàn thảo sâu sắc, kỹ lưỡng tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, diễn ra từ ngày 7 đến 12-5 (và đã được nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ).

Sau khi Hội nghị Trung ương 7, khóa XII kết thúc ít ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 16-5-2018). Quy định gồm 3 chương, 16 điều, nêu rõ yêu cầu; căn cứ đánh giá, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, thẩm quyền, tiêu chí đánh giá, xếp loại; quy trình đánh giá, xếp loại và khen thưởng...

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội quy định thang điểm 100 làm căn cứ đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng đạt loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) nếu đạt 90-100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ) nếu đạt 70-90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt dưới 50 điểm.

Tỷ lệ được đánh giá, xếp loại A nói chung không quá 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được xếp loại; trường hợp đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội thì tỷ lệ cá nhân được đánh giá, xếp loại A cũng không nên vượt quá 40% tổng số.

Có thể thấy rõ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và cả tính thời sự ở sự ra đời của Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội (sau đây gọi tắt là Quy định khung tiêu chí): Đó không chỉ là nội dung mới được triển khai trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các đơn vị trên địa bàn thành phố mà còn nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 26-NQ/TƯ.

2. Vì sao đánh giá cán bộ nói riêng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị nói chung lại khó cả về định tính lẫn định lượng? Câu trả lời liên quan tới nhiều yếu tố. Song tựu trung lại, vẫn là việc chưa xác định rõ được khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; phương pháp đánh giá cũng không phù hợp; và đáng suy nghĩ là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm khi đánh giá... Và hệ lụy như thế nào thì ai cũng rõ.

Đấy là câu chuyện đang diễn ra ở nhiều địa phương mà Hà Nội không là ngoại lệ. Nhận định thẳng thắn của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội rằng công tác đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực tế, chưa đánh giá hết từng vị trí công tác, kết quả thực chất của từng cán bộ, công chức, viên chức thực sự đáng để suy ngẫm.

Một trong những nguyên tắc quan trọng để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm là lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Vậy nhưng, không phải công việc nào cũng dễ lượng hóa hiệu quả và thực tế cuộc sống thì luôn phong phú, luôn vận động. Với người giữ cương vị quản lý thì đâu là tiêu chí cho chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo?

Trong khi đó, với viên chức, người lao động “thụ lý”, giải quyết nhiều phần việc khác thì không phải việc nào cũng dễ dàng lượng hóa “phần chất”. Sự hài lòng (không hài lòng) của cá nhân, tổ chức - một chuẩn mực cho đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong nhiều trường hợp cụ thể dễ nhận thấy song cũng không ít khi sự phản hồi này lại không được nhận biết...

Quy định khung tiêu chí, vì thế, có ý nghĩa như một kim chỉ nam, một cơ sở phục vụ công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi đã định hình căn cứ đánh giá, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, thẩm quyền, tiêu chí đánh giá, xếp loại; quy trình đánh giá, xếp loại và khen thưởng...

Một điểm nhấn lớn ở bộ khung này là nếu như trước đây, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… thường được tổ chức hằng năm thì giờ tiến hành hằng tháng, vừa bảo đảm thường xuyên, định kỳ vừa rõ tính liên tục.

Ý nghĩa quan trọng của thực hiện quy định chính là: Kết quả đánh giá, xếp loại hằng tháng trở thành căn cứ bình xét khen thưởng hằng tháng; căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm; đồng thời, là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng...

Sâu xa hơn, thông qua đánh giá hằng tháng sẽ giúp mỗi người tự nhìn lại mình để kịp thời phát huy những ưu điểm, sửa chữa hạn chế - như vậy "được cả việc" và "được cả người".

3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ.

“Xem xét”, theo cách nói của Người, chính là đánh giá. Nghị quyết 26-NQ/TƯ đặt yêu cầu đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quy định khung tiêu chí của Hà Nội chính là cơ sở để cả hệ thống chính trị thành phố thực hiện việc “xem xét”, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo hướng “xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc”, đồng nghĩa với việc đánh giá có tính xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Vấn đề cụ thể hóa cho phù hợp với đặc thù lại gắn liền với sự sáng tạo trong triển khai thực hiện, vận dụng ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Dù cách làm ở từng nơi có tính đặc thù như thế nào nhưng bằng tâm niệm đặt việc công, đặt việc phục vụ người dân lên hàng đầu, quá trình thực hiện Quy định khung tiêu chí sẽ có bước chuyển mạnh về chất, qua đó tác động tích cực đến không khí thi đua lao động, sáng tạo cũng như "sàng lọc", giúp cho mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng, thành phố và đất nước nói chung có những nhân sự tốt.

Bình Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/903779/buoc-chuyen-manh-ve-chat