Bước đi chưa muộn

Nội các New Zealand đã nhất trí thắt chặt luật kiểm soát súng đạn, trong đó thông tin chi tiết về những biện pháp cải cách quy định sở hữu súng đạn sẽ được công bố trước phiên họp tiếp theo của nội các vào ngày 25/3 tới.

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.

Vụ xả súng đẫm máu nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người, đã gióng lên hồi chuông báo động về quy định kiểm soát súng đạn vốn lỏng lẻo ở New Zealand - quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2018.

Trong quá khứ, tại New Zealand từng xảy ra một số vụ xả súng, song phần lớn bắt nguồn từ những mâu thuẫn gia đình hay bất đồng trong công việc. Có thể vì thế mà vấn đề quản lý sở hữu súng đạn ở New Zealand chưa được lưu tâm. Chỉ tới khi công dân Australia 28 tuổi Brenton dễ dàng chất đầy súng ống đạn dược lên ô tô, lái xe lần lượt tới 2 đền thờ Hồi giáo, xả súng gây ra vụ thảm sát kinh hoàng, thậm chí còn quay trực tiếp hành vi tàn độc của mình phát lên mạng, một loạt câu hỏi mới được đặt ra. Vụ xả súng hàng loạt chưa từng có tại New Zealand trong gần 30 năm qua, với động cơ thù hằn tôn giáo rõ rệt, đặt nước này vào tình trạng báo động ở mức cao lần đầu tiên trong lịch sử, và cũng khiến giới chức Zealand phải hành động ngay lập tức.

Trên thực tế, New Zealand đã siết chặt luật súng đạn để hạn chế quyền tiếp cận súng trường bán tự động vào năm 1992, hai năm sau khi một đối tượng có vấn đề về tâm thần nổ súng bắn chết 13 người ở thành phố miền Nam Aramoana. Tuy nhiên, luật pháp New Zealand quy định bất cứ ai trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm sau khi hoàn thành một khóa học về an toàn và vượt qua bài kiểm tra lý lịch của cảnh sát. Dù đối với các loại súng trường bán tự động, súng ngắn và một số loại vũ khí bị hạn chế khác, người làm đơn có thể sẽ phải cung cấp thêm một số giấy chứng nhận, song cảnh sát và các chuyên gia cho biết quy định này tồn tại rất nhiều lỗ hổng cho phép người dùng "lách" luật.

Ngoài ra, việc Đạo luật vũ khí của New Zealand không quy định tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng đã dẫn đến thực tế rằng cảnh sát không thể biết chính xác số khẩu súng được sở hữu hợp pháp hoặc trái phép ở nước này. Theo ước tính của cảnh sát, tính đến năm 2014, New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp, tức là cứ 4 người dân thì có một người sở hữu súng - tỷ lệ cao gấp hai lần so với quốc gia láng giềng Australia. Năm 1997, cảnh sát New Zealand đã công bố một báo cáo cho thấy tình trạng đáng báo động về buông lỏng quy định sở hữu súng, qua đó hối thúc các nhà lập pháp đưa ra một lệnh cấm. Tuy nhiên, nỗ lực kêu gọi sửa đổi Đạo luật vũ khí vốn không được cập nhật kể từ khi có hiệu lực vào năm 1992 đã bị phớt lờ và một đề xuất siết chặt luật súng đạn vẫn đang bị treo ở Quốc hội.

Thanh Phương

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/buoc-di-chua-muon-101322.html