Bước đi khó nhọc của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến công du Trung Đông

Chuyến công du đầu năm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Trung Đông lần này mang theo những nhiệm vụ hết sức nặng nề, từ việc sáng tỏ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cho đến sứ mệnh chấm dứt khủng hoảng vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 đã đến Riyadh. Tại đây, chắc chắn ông sẽ gây áp lực để buộc Thái tử Mohammed bin Salman (hay được biết đến với cái tên MBS) phải đưa ra những cái tên phải chịu tội trước pháp luật do liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Nhiệm vụ nhạy cảm

Theo kế hoạch, chuyến công du Trung Đông của Pompeo khởi hành từ ngày 8/1 để tới 8 thủ đô gồm Amman (Jordani), Cairo (Ai Cập), Manama (Bahrain), Abu Dhabi (Các tiều vương quốc Arab thống nhất), Doha (Qatar), Riyadh (Saudi Arabia), Muscat (Oman), và cuối cùng là Kuwait City (Kuwait).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 đã đến Riyadh. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu trước báo giới ở Qatar trước khi bay đến thủ đô của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với Thái tử Salman và Chính phủ Saudi Arabia về việc phải làm sáng tỏ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi - một vụ việc không thể chấp nhận được".

Chuyến thăm Saudi Arabia, chặng dừng chân thứ 2 của Pompeo trong chuyến công du Trung Đông, được coi là khá nhạy cảm về mặt chính trị kể từ khi nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong Tổng lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại đã gây ra sự phản ứng kịch liệt của cộng đồng quốc tế.

Sau khi đặt chân xuống Riyadh, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Adel al-Jubeir và Đại sứ Saudi Arabia tại Washington Khalid bin Salman, Ngoại trưởng Pompeo đã thúc giục Saudi Arabia tiếp tục mở rộng điều tra về vụ sát hại này. Nhà báo Khashoggi, cộng tác viên của tờ Washington Post (Mỹ), đã bị sát hại ngày 2/10/2018. Sau vụ việc này, Saudi Arabia lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất và mối quan hệ Riyadh - Washington trở nên vô cùng căng thẳng.

Nụ cười với MBS

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phớt lờ sự giận dữ của cộng đồng quốc tế để "kề vai sát cánh" bên cạnh thái tử Saudi Arabia trong vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại dã man. Ông Trump vẫn kiên định ủng hộ MBS bất chấp Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đưa ra kết luận rằng, rất có thể Thái tử Salman đã ra lệnh tiến hành vụ sát hại này.

Một nghị quyết của lưỡng đảng đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng trước cũng đã lên tiếng buộc Thái tử Salman phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Các công tố viên Riyadh đã thông báo cáo trạng đối với 11 người, trong đó 5 người bị kết án tử hình. Tuy nhiên, các trợ lý thân cận của Thái tử Salman được cho là dính líu đến vụ sát hại đã được các công tố viên miễn truy cứu trách nhiệm.

Trong một chuyến thăm Riyadh trước đó, đúng lúc vụ sát hại nhà báo Khashoggi đang khá "nóng", việc Ngoại trưởng Pompeo nở nụ cười với Thái tử Salman đã khiến một số người Mỹ tức giận. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói, Washington muốn “giữ gìn” mối quan hệ liên minh với vương quốc dầu lửa mà ông coi là “bức tường thành” chống lại kẻ thù chung Iran và là một bạn hàng vũ khí "béo bở" của Mỹ.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn chưa có lối thoát. (Nguồn: Bloomberg)

Nỗ lực hòa giải của Mỹ đã thất bại

Ngoại trưởng Pompeo đã gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani trong chuyến thăm tới Doha, nơi ông từ chối bình luận về những thông tin Washington gần đây xem xét hành động quân sự chống Tehran. Ông cũng kêu gọi Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh khác chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở khu vực này trong nhiều năm qua khi Doha bị các nước láng giềng (từng là đồng minh) cô lập ngoại giao và chính trị trong suốt 19 tháng qua.

Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập, tất cả đều là đồng minh của Mỹ, đã cắt đứt quan hệ với Qatar kể từ tháng 6/2017 với cáo buộc nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố và tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với kẻ thù của Saudi Arabia là Iran.

Qatar cũng là một đồng minh của Mỹ, đã phủ nhận luận điệu trên và cáo buộc các nước này tìm cách thay đổi chế độ Qatar. "Đối với các quốc gia vùng Vịnh, chúng ta có sức mạnh hơn khi tất cả chúng ta làm việc cùng nhau để đối phó với những thách thức chung ở khu vực và trên thế giới", Ngoại trưởng Pompeo nói như vậy khi nhắc tới 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. "Tranh chấp giữa các nước có mục tiêu chung chẳng bao giờ giúp ích được gì". Tổng thống Trump và tôi tin tranh chấp ở khu vực này đã đi quá xa", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sau đó, trong cuộc gặp với các nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Doha, Ngoại trưởng Pompeo đã thừa nhận rằng, chưa có sự tiến bộ nào trong việc giải quyết vấn đề này. Những nỗ lực hòa giải của Mỹ đã thất bại. Đối với Washington, việc chấm dứt cuộc khủng hoảng này là rất cần thiết để triển khai thành công Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), một hiệp ước an ninh giống như NATO bao gồm các nước Vùng Vịnh, Ai Cập và Jordan. Trong chuyến thăm lần này, Mỹ và Qatar đã tổ chức "đối thoại chiến lược" lần thứ hai giữa hai nước và hai bên đã ký nhiều hiệp định trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục và văn hóa.

Kế hoạch công du của Ngoại trưởng Pompeo được công bố 2 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ binh lính Mỹ tại Syria về nước, động thái được cho là khiến các đồng minh ngạc nhiên và lo ngại chỗ trống mà Mỹ để lại sẽ giúp Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria.

Tuy nhiên, Washington mong muốn các đồng minh Trung Đông sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng các tổ chức khủng bố cực đoan như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện trở lại khi Mỹ rút quân.

Thu Hiền

(theo AFP)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/buoc-di-kho-nhoc-cua-ngoai-truong-pompeo-trong-chuyen-cong-du-trung-dong-85521.html