Bước đột phá trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

Đúng như dự báo, một bản thỏa thuận đoàn kết và ổn định đã được ký giữa các bên sau một cái ôm thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Qatar.

Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với mục tiêu hàn gắn bất đồng giữa các thành viên, đồng thời thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực đã diễn ra vào ngày 5/1.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) đón Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani tới thăm, tại sân bay thành phố Al-Ula ngày 5/1/2021

Tại cuộc họp, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho rằng, các nước GCC đang có nhu cầu bức thiết về hợp tác “nhằm thúc đẩy phát triển khu vực và đối phó với những thách thức chung”. Đó là lý do tại sao các bên đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Al-Ula” – địa điểm diễn ra hội nghị và cũng là nơi các thành viên GCC “khẳng định sự đoàn kết và ổn định cho vùng Vịnh, Arab và Hồi giáo”. Ủng hộ quan điểm này, lãnh đạo các nước thành viên khác của GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đưa ra những nhận xét và bình luận tích cực.

Tuyên bố Al-Ula khẳng định mục tiêu cao cả của GCC là hợp tác chặt chẽ và hội nhập giữa các quốc gia GCC trên mọi lĩnh vực, thống nhất, tăng cường vai trò khu vực và quốc tế, hoạt động như một nhóm kinh tế và chính trị duy nhất để góp phần đạt được an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Tuyên bố Al Ula khẳng định việc tăng cường quan hệ giữa Ai Cập và các nước GCC phục vụ các mục tiêu cao cả của quốc gia Ả-rập.

Theo tuyên bố, thách thức của đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh này và những hậu quả dịch đòi hỏi phải tăng cường các hành động chung của vùng Vịnh. Các nước GCC cùng xây dựng một chính sách đối ngoại thống nhất; hoàn thành các yêu cầu của liên minh thuế quan và thị trường chung vùng Vịnh, công dân các nước GCC được quyền tự do làm việc, di chuyển và đầu tư cũng như tiếp cận bình đẳng với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, xây dựng mạng lưới đường sắt vùng Vịnh, hệ thống an ninh lương thực và nước, khuyến khích các dự án chung và địa phương hóa đầu tư vùng Vịnh.

Tuyên bố nhấn mạnh việc phát triển năng lực kỹ thuật trong các cơ quan chính phủ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, để bảo đảm thực hiện nhanh chóng và hiệu quả các dịch vụ và thủ tục, phát triển chương trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thương mại kỹ thuật số; tăng cường các công cụ quản trị, minh bạch, trách nhiệm, liêm chính và chống tham nhũng thông qua hành động chung của vùng Vịnh và trong tất cả các cơ quan của GCC. Tuyên bố khẳng định tăng cường vai trò khu vực và quốc tế của GCC bằng cách thống nhất lập trường chính trị và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia, nhóm và tổ chức khu vực và quốc tế theo hướng phục vụ lợi ích chung...

Hội nghị thượng đỉnh GCC năm nay diễn ra trong bầu không khí được đánh giá là tích cực và gặp khá nhiều thuận lợi, bất chấp đám mây u ám của đại dịch Covid-19 đang phủ bóng lên cả khu vực. Ngay trước thềm hội nghị đã xuất hiện thêm những thông tin bất ngờ: Saudi Arabia sẽ mở cửa trở lại biên giới cả đường bộ và đường không với Qatar; phía Qatar thông báo Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đã lên đường tham dự hội nghị GCC. Đây được coi là bước đột phá trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài hơn 3 năm qua, mở đường cho các thỏa thuận hàn gắn được các nhà lãnh đạo nhất trí tại hội nghị.

Hoài Anh (t.h)

1,446

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/buoc-dot-pha-trong-cuoc-khung-hoang-ngoai-giao-vung-vinh-84028.html