Bước đột phá từ những 'nghị quyết xanh' ở Lâm Đồng

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, đồng thời phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo sát đúng, góp phần đưa Lâm Đồng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Có cơ hội đến thăm nhiều trang trại, nhà vườn tại Lâm Đồng, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ với những “nông dân cổ cồn” làm việc như những kỹ sư thời công nghệ số với thu nhập lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh Phan Thanh Sang ở đường Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt, chủ hệ thống trang trại hoa lan YSA Orchid Farm chia sẻ: “YSA Orchid Farm hiện có 3 cơ sở chuyên sản xuất hoa lan theo mô hình NNCNC với diện tích hơn 10ha. Toàn bộ quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói hoa đều được vận hành bằng công nghệ hiện đại, trong đó có nhiều khâu đã ứng dụng công nghệ tự động hóa. Năm 2018, sản lượng hoa lan của trang trại ước đạt 500.000 cành, doanh thu hơn 60 tỷ đồng”.

Anh Phan Thanh Sang vẫn chưa phải là những nông dân hàng đầu về sản xuất NNCNC tại địa phương. Ở Lâm Đồng còn có những trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đạt doanh thu lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, như: Phong Thúy, Dalat Hasfarm, Anh Đào Co-op, Dalat Gap, Rừng hoa Đà Lạt, Hoa mặt trời, Ngọc Mai Trang… Nhiều vùng quê của Lâm Đồng trước đây vốn nghèo khó, lạc hậu giờ cũng trở nên trù phú nhờ trồng rau, hoa, cà phê, chăn nuôi bò sữa, trồng dâu nuôi tằm theo mô hình hiện đại. TS Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Lâm Đồng đã và đang trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á”.

Sự phát triển ấn tượng của ngành nông nghiệp Lâm Đồng những năm gần đây được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó, việc vận dụng và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp được xem là khâu then chốt. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhớ lại: "Cách đây 16 năm, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh khóa VII (năm 2003), Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 6 chương trình đột phá để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Giai đoạn 2003-2010, tỉnh bắt đầu xây dựng quy hoạch vùng, các dự án NNCNC để kêu gọi đầu tư, xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi, trồng trọt, vận động và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện. Việc triển khai chương trình NNCNC có tác động mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và được nhân dân hưởng ứng. Đến năm 2010, diện tích ứng dụng NNCNC toàn tỉnh đạt 6.407ha, giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 75 triệu đồng/ha, tăng gần 4 lần so với năm 2004”.

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm bước đầu cùng với quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 05 “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2011-2015”. Kết quả một lần nữa khẳng định nghị quyết là đúng đắn. Đến cuối năm 2015, nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp tại địa phương đạt doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt nhiều mô hình như rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa cắt cành đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà phê đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Sự thay đổi về cơ cấu, phương thức sản xuất nông nghiệp tạo cú hích giúp bộ mặt nông thôn Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hóa, xanh-sạch-đẹp, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trước yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục ban hành Nghị quyết 05 “Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016-2020; định hướng đến năm 2025”. Nghị quyết chỉ rõ khó khăn, lợi thế, khả năng cạnh tranh của nông nghiệp địa phương; xác định nhiệm vụ xây dựng thương hiệu uy tín và đưa sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng ra thị trường thế giới; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường liên kết và tạo ra những chuỗi giá trị cao; phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để vận động nhân dân thực hiện.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục vươn lên tầm cao mới. Đến nay, diện tích NNCNC ở Lâm Đồng đạt gần 55.000ha, bằng 19,5% tổng diện tích canh tác. Lâm Đồng hiện có 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 32 triệu cây giống gốc invitro hằng năm; 971 tổ chức, hộ nông dân được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic với quy mô hơn 2.500ha và 977 hộ được cấp VietGAP, 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu NNCNC Lâm Đồng, toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa, cà phê, chè, cá nước lạnh và chăn nuôi bò sữa, 9 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Doanh nghiệp NNCNC", chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp NNCNC của cả nước. Nhờ nông nghiệp, bộ mặt nông thôn Lâm Đồng tiếp tục khởi sắc với 87/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Các “nghị quyết xanh” về nông nghiệp đã và đang tạo nên cuộc “cách mạng xanh”, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế-xã hội; trở thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, là khát vọng, đam mê của nhiều người, biến ước mơ thoát nghèo, làm giàu bằng nghề nông trên vùng đất Nam Tây Nguyên trở thành hiện thực.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/buoc-dot-pha-tu-nhung-nghi-quyet-xanh-o-lam-dong-571628