Bước đột phá

Hội nghị quốc tế về Libya vừa diễn ra ở thành phố Palermo, thủ phủ của Sicilia, Italy đã khép lại với tia hy vọng mở cánh cửa hòa bình cho quốc gia Bắc Phi. Các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt ở Libya cam kết sẽ thực hiện theo một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ. Đây được coi là bước đột phá ngoại giao quan trọng nhằm tiến tới hóa giải những mâu thuẫn sâu sắc giữa các phe phái đối địch ở Libya.

Một trong những thành công của hội nghị tại Palermo lần này là đưa cả Tướng Kh.Haftar, nhân vật đang kiểm soát khu vực miền đông Libya, lẫn Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận (GNA) F.Sarraj vào bàn đối thoại. Tướng Kh.Haftar từ thành trì tại thành phố Benghazi đã đến Palermo sau nhiều hoài nghi về sự hiện diện quan trọng của nhân vật này. Tướng Haftar và Thủ tướng GNA Sarraj đã có cuộc gặp riêng hiếm hoi bên lề Hội nghị và đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhân vật trong vòng 5 tháng qua. Bởi, trước thềm hội nghị, Tướng Haftar tuyên bố sẽ không dự bữa tối làm việc cùng các lãnh đạo khác mà trước đó vốn dự kiến tham gia. Theo lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy, nhân vật này đến hội nghị tại Palermo chỉ để gặp lãnh đạo những nước trong khu vực nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất.

Việc Tướng Haftar tỏ ý sẽ hài lòng nếu ông Sarraj tiếp tục nắm giữ chức Thủ tướng GNA cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức theo kế hoạch được cho là bước tiến ngoại giao đưa hai phe phái đối địch ở Libya tiến tới hóa giải mâu thuẫn. Hai bên vốn tồn tại nhiều bất đồng lợi ích này đều bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch mới của LHQ. Theo đó, quốc gia Bắc Phi này sẽ tổ chức một hội nghị quốc gia ở Libya vào đầu năm tới và tiếp đó là bầu cử quốc hội, tổng thống vào tháng 6-2019.

Hội nghị về Libya ở Italy lần này đã thu hút sự tham dự của đại diện các nước châu Âu, A-rập và Mỹ. 38 phái đoàn xác nhận tham gia hội nghị, trong đó có 10 lãnh đạo và quan chức chính phủ, cùng các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 20 nước. Giới chuyên gia nhận định, Nga, Pháp, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) ủng hộ Tướng Haftar, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các phe đối địch với lực lượng của Tướng Haftar, nhất là các nhóm Hồi giáo. Với sự hiện diện của đông đảo đại diện các nước, đây là cơ hội để các bên liên quan thương lượng về một lộ trình hòa bình cho Libya.

Tuy nhiên, lộ trình mới của LHQ đã bác bỏ sáng kiến của Pháp tại Hội nghị về Libya tổ chức ở Paris hồi tháng 5-2018, vốn đề xuất tổ chức bầu cử ở Libya vào tháng 12 năm nay. Điều này gây không ít hoài nghi về khả năng thực thi các cam kết được đưa ra tại hội nghị lần này. Hơn nữa, ngoài cam kết ủng hộ kế hoạch mới của LHQ, các bên đã không đưa ra quyết định cụ thể nào. Những vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh chính trị của Libya chưa được đề cập cụ thể. Libya đang cần thành lập một lực lượng quân sự thống nhất cũng như lực lượng cảnh sát do Nhà nước kiểm soát. Việc phân bổ lại các nguồn lợi từ dầu mỏ, một trong những yếu tố chủ chốt có thể chấm dứt mâu thuẫn lợi ích, xung đột và đem lại hòa bình cho Libya cũng chưa được giải quyết.

Trong bối cảnh tình hình Libya diễn biến phức tạp với tranh chấp, xung đột kéo dài nhiều năm qua, việc các bên đối địch chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán ở Palermo mở đường cho đối thoại. Tuy nhiên, với một đất nước Libya chia rẽ và sự phát triển nở rộ của các nhóm dân quân vũ trang vốn ra đời từ sự hỗn loạn và bất ổn, để tiến tới một thỏa thuận chính trị cho Libya không dễ dàng. Những nỗ lực quốc tế nhằm tháo gỡ thế bế tắc trên chính trường Libya vẫn chưa thể thành công. Hơn thế, phần lớn các phe nhóm ở Libya đều thể hiện lập trường không muốn có sự can thiệp của bên ngoài ở quốc gia Bắc Phi vốn đã quá thấm thía những mất mát do bị can thiệp trong cuộc chiến do NATO đứng đầu lật đổ chế độ M.Gaddafi hồi năm 2011. Đất nước Libya đã trải qua hơn tám năm xung đột, bất ổn sau “Mùa xuân A-rập” vẫn chưa thể tìm thấy “mùa xuân” thật sự.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38249202-buoc-dot-pha.html