Buộc Grab bồi thường cho Vinasun

Có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun một phần do Grab.

Ngày 10/3/2020, phiên xử phúc thậm vụ kiện giữ Vinasun và Grab đã diễn ra tại TAND Cấp cao ở TP. HCM. Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao, bác kháng cáo của Vinasun và Grab, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX nhận định, Grab thực hiện cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng nhưng thực tế Grab lại kinh doanh vận tải.

Từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab.

Phiên tòa phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab.

Đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khỏi kiện của Vinasun.

Từ đó, tòa phúc thẩm buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng như trong bản án sơ thẩm.

Tháng 6/2018, Vinasun kiện Grab vi phạm "Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Grab đã tuyển dụng tài xế, quyết định giá cước, điều chỉnh giá cao điểm, thu tiền, tung ra các chương trình khuyến mại...

Hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun gần 42 tỷ đồng, từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, nên công ty yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Sau nhiều lần mở phiên xử rồi hoãn, cuối năm 2018, TAND TP HCM tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng – thiệt hại do chi phí xe phải nằm bãi từ khi Grab hoạt động tại Việt Nam.

Tòa cấp sơ thẩm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ bắt xe bằng công nghệ thuận lợi cho người dân, việc này cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Tuy nhiên cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế, khả năng thất thu thuế cao dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...

Do đó, cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, cả hai bên đều đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Vinasun yêu cầu tòa phúc thẩm phán quyết buộc Grab phải bồi thường tổng cộng 41,2 tỉ đồng cho công ty này.

Grab cũng gửi đơn kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng TAND TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết vụ án này.

Đồng thời, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng có kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì cho rằng không có căn cứ.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/buoc-grab-boi-thuong-cho-vinasun-3398344/