'Bước lùi' cần ngăn chặn

Những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran được Pháp đưa ra dường như vẫn đuối trước sự cứng rắn của cả Mỹ và Iran.

Những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran được Pháp đưa ra dường như vẫn đuối trước sự cứng rắn của cả Mỹ và Iran.

Tehran đang thực hiện các bước đi nhằm thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong khi Mỹ liên tiếp giáng “đòn trừng phạt” nhằm gây sức ép đối với Tehran. Việc không bên nào chịu xuống thang đang kéo lùi những nỗ lực ngoại giao trở lại vạch xuất phát, đe dọa dẫn tới làm đổ vỡ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Sau hàng loạt cuộc gặp với các quan chức Iran, châu Âu, Mỹ, Pháp đã đưa ra đề xuất mức tín dụng 15 tỷ USD dành cho Iran tới cuối năm nay với điều kiện Tehran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân. Mức tín dụng này sẽ được bảo đảm bằng các khoản thu từ dầu mỏ của Iran. Đây là nỗ lực của Pháp cùng các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm giảm leo thang căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran, cũng như ngăn chặn không để thỏa thuận này bị đổ vỡ. Tuy nhiên, Pháp nhấn mạnh các bên liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn tất quá trình hòa giải, vốn được khởi xướng tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra ở Pháp cuối tháng 8 vừa qua.

Gói đề xuất của các nước châu Âu cho vay 15 tỷ USD nhằm bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi những tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với quốc gia Hồi giáo. Iran nhanh chóng bác bỏ đề xuất này, đồng thời gia hạn thêm hai tháng để châu Âu tìm cách cứu thỏa thuận hạt nhân. Điều này xuất phát từ thực tế Iran và các nước châu Âu đã tiến gần tới một thỏa thuận, song chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng để giải quyết bất đồng.

Tổng thống Iran H.Rouhani tuyên bố, nước này sẽ có “bước đi mới” tăng cường các hoạt động trong chương trình hạt nhân, trong bối cảnh Iran cho rằng không thể đạt thỏa thuận với các nước châu Âu về việc đưa ra cách thức để Tehran nhận được 15 tỷ USD tiền bán dầu trong bốn tháng theo đúng thời hạn chót yêu cầu. Giới chức Iran cảnh báo, bước đi tiếp theo của nước này sẽ mạnh hơn và có thể bao gồm làm giàu uranium ở mức 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm làm giàu uranium. Nếu Iran thực hiện những điều mà nước này đe dọa thì khả năng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân là rất mong manh.

Để thực hiện “bước đi lớn” nhằm tiến dần tới việc ra khỏi JCPOA như đã cảnh báo, Tổng thống Iran H.Rouhani tuyên bố, từ ngày 6-9, nước này sẽ mở rộng nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Đây là bước đi thứ ba của Iran thu hẹp các cam kết hạt nhân trong JCPOA. Theo tuyên bố này, Iran sẽ dỡ bỏ tất cả giới hạn về các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của nước này. Tổng thống H.Rouhani đã chỉ thị Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran khởi động ngay lập tức việc nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm nhằm đẩy nhanh việc làm giàu uranium. Đây là bước đi khiến Mỹ và châu Âu quan ngại khi trước đó Iran đã bỏ qua hai cam kết hạt nhân về tăng giới hạn làm giàu uranium vượt mức 3,67% và lượng uranium làm giàu cấp độ thấp vượt ngưỡng 300 kg.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D.Trump mặc dù để ngỏ khả năng gặp người đồng cấp Iran, song tiếp tục có các động thái nhằm gây sức ép đối với Tehran. Chính quyền Washington bổ sung danh sách trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan tới Iran. Bộ Tài chính Mỹ vừa thông báo về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào mạng lưới các công ty, tàu biển và cá nhân mà Washington cho là do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) điều hành để cung cấp cho Syria lượng dầu mỏ trị giá hàng triệu USD.

Trong số 10 cá nhân Iran bị trừng phạt lần này có cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iran R.Ca-xê-mi và con trai ông. Thêm vào đó, Đặc phái viên Mỹ về Iran B.Húc tuyên bố, Mỹ sẽ trao thưởng 15 triệu USD cho các thông tin giúp Washington chặn đứng hoạt động tài chính và do thám của IRGC. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận, một quan chức cấp cao nước này đã đích thân đề nghị trả hàng triệu USD cho thuyền trưởng của tàu chở dầu Iran bị nghi đang trên hành trình tới Syria. Theo đó, Đặc phái viên B.Húc đã gửi thư điện tử cho thuyền trưởng A.Cu-ma của tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran và đề nghị trả hàng triệu USD nếu cho lái tàu đến một nước mà tàu này có thể bị bắt giữ.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang, một số nhà phân tích đã đưa ra nhận định rằng, hai bên dường như đang tiến gần đến một cuộc xung đột quân sự hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong những năm gần đây. Chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Iran được cho là sẽ không giải quyết được vấn đề và chỉ có cách duy nhất bằng con đường ngoại giao. Hướng đi của Pháp và các nước châu Âu khác tham gia JCPOA cần được thúc đẩy hơn nữa khi mọi cánh cửa đối thoại vẫn còn để ngỏ cho cả hai phía trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran hiện nay.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41470502-%E2%80%9Cbuoc-lui%E2%80%9D-can-ngan-chan.html