Bước lùi của truyền hình Hàn Quốc

Nhiều bộ phim gây tranh luận vì phân biệt chủng tộc. Giới chuyên gia nhận định đây là sự thiếu hiểu biết và bước lùi của truyền hình Hàn Quốc.

Bộ phim hài lãng mạn Sh**ting Stars của tvN đã phát sóng tập cuối vào 18/6. Phim gây tranh cãi khi có nội dung phân biệt chủng tộc. Bộ phim kể về tình yêu của một nhân viên PR tên là Oh Han Byul do nữ diễn viên Lee Sung Kyung đảm nhận với ngôi sao của công ty cô - Gong Tae Sung (Kim Young Dae).

Hàng loạt bộ phim gây tranh cãi

Bộ phim bắt đầu với cảnh Gong Tae Sung tới châu Phi để làm tình nguyện viên. Quốc gia cụ thể ở châu Phi mà Gong Tae Sung đến không được đề cập trong phim. Màn hình chuyển sang cảnh mặt trời đỏ rực đang mọc, hươu cao cổ phi nước đại, một con sư tử đuổi theo bầy ngựa vằn trên nền giai điệu của The Lion King.

Bộ phim tiếp tục với cảnh Gong Tae Sung được dân làng bao quanh. Họ hạnh phúc reo hò khi thấy một giàn khoan được khoan vào lòng đất, nước phun trào. "Bây giờ các bạn có thể uống nước sạch", Tae Sung hét lên.

Khán giả, đặc biệt là người nước ngoài xem bộ phim bị bối rối bởi sự xuyên tạc trắng trợn về châu Phi trong Sh**ting Stars. Họ đã đăng những bình luận tức giận như: "Châu Phi không phải một quốc gia" hay "bức chân dung về châu Phi trong phim giống gánh nặng của Hàn Quốc vậy".

Bộ phim của Lee Seung Kyung và Kim Young Dae bị chỉ trích.

Korea JoongAng Daily nhận định châu Phi không thể được tóm tắt đơn giản là lục địa đang phát triển và cần những người có màu da sáng hơn đến cứu họ.

Theo Korea JoongAng Daily, có 54 quốc gia ở châu Phi. Libya được đưa vào danh sách 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2021, dựa trên dự báo tháng 4/2021 của IMF.

Số lượng người châu Phi thuộc tầng lớp trung lưu đã tăng gấp ba lần trong vòng 30 năm qua, lên 313 triệu người, theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi vào năm 2021. Đồng nghĩa cứ ba người, có một người được coi là tầng lớp trung lưu.

Sh**ting Stars không liên quan gì đến châu Phi và việc Tae Sung đến đó để tình nguyện không phải một phần thiết yếu của cốt truyện. Mục đích của cảnh phim chỉ là miêu tả Tae Sung như người tốt bụng, thông minh, anh hùng và đáng được tôn thờ.

Khi được yêu cầu trả lời về cuộc tranh cãi, Studio Dragon - công ty sản xuất Sh**ting Stars - từ chối bình luận. Theo Korea JoongAng Daily, khó có thể lấy lý do sai lầm để bào chữa cho cảnh quay này. Thay vào đó, tờ này nhận định đoàn phim thiếu kiến thức hoặc cẩu thả.

Park Eun Seok xin lỗi sau khi vướng tranh cãi.

Năm 2021, nam diễn viên Park Eun Seok đã đưa ra lời xin lỗi vì mặc bộ trang phục quá lố để đóng vai một người Mỹ gốc Phi trong Penthouse 3 (2021) của đài SBS.

Nam diễn viên khẳng định hành động của bản thân không nhằm mục đích gây tổn hại, chế giễu, thiếu tôn trọng hoặc làm tổn thương cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Anh cho biết bộ trang phục để thể hiện sự ngưỡng mộ văn hóa thay vì chế giễu.

Park Eun Seok đã xuất hiện trong một tập của bộ phim với những chiếc áo choàng cổ, hình xăm được vẽ trên khuôn mặt. Anh đeo dây chuyền và nhẫn vàng. Lời thoại của nam diễn viên trong cảnh quay được cho là bắt chước hoặc chế giễu người Mỹ gốc Phi.

Penthouse 3Sh**ting Stars chỉ là hai trong số nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc cho thấy sự phân biệt chủng tộc, chẳng hạn bộ phim của JTBC Ms. Hammurabi (2018) sử dụng burka (PV: Áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải để trùm lên đầu) như một yếu tố gây hài hước.

Man Who Die to Live (2017) có cảnh phụ nữ mặc hijab (PV: Khăn trùm đầu của người Hồi giáo) với bikini. Hậu duệ mặt trời (2016) của KBS gọi đứa trẻ da ngăm là Blackey.

Tranh cãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết

Nhà phê bình văn hóa Jeong Deok Hyun nhận định: “Giữa môi trường toàn cầu hóa, các công ty sản xuất phim truyền hình cần phải khắc họa tốt hơn nền văn hóa nước khác mà không có định kiến và khuôn mẫu. Đôi khi, đó không phải cố ý, mà bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết”.

Nhà phê bình cũng chỉ ra một thực tế là các công ty sản xuất thường không thích trả lời công khai khi những tranh cãi liên quan đến phân biệt chủng tộc xảy ra.

“Nếu tranh cãi xảy ra ở Hàn Quốc, các công ty sản xuất thường giải quyết bằng cách đưa ra các tuyên bố công khai. Nhưng với các vấn đề liên quan đến nước ngoài, họ thường im lặng", nhà phê bình nhận định.

Backstreet Rookie của đài SBS được phát sóng vào năm 2020 đã gây nên phản ứng dữ dội từ khán giả quốc tế vì những cảnh phân biệt chủng tộc. Một nhân vật xuất hiện trong những chiếc quần dài và nhuộm màu da để làm nó trông tối hơn. Bộ phim cũng gây tranh cãi vì những cảnh quay không phù hợp về tình dục và lời thoại.

Backstreet Rookie do Ji Chang Wook và Kim Yoo Jung đảm nhận vai chính.

Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo đối với những bộ phim truyền hình phát sóng cảnh khiêu khích và không phù hợp. Tuy nhiên, cảnh báo cho các cảnh liên quan đến phân biệt chủng tộc chưa được đưa ra.

Trong số các bộ phim truyền hình được đề cập trong bài viết, chỉ có Man Who Die to Live của đài MBC đưa ra lời xin lỗi công khai vì những cảnh không phù hợp về văn hóa Hồi giáo. Tuy nhiên, những cảnh gần đây trong Sh**ting Stars dường như là một bước lùi của truyền hình Hàn Quốc.

“Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của các nền văn hóa khác. Giống việc người Hàn Quốc muốn văn hóa của nước mình được mô tả một cách chính xác trên các phương tiện truyền thông nước ngoài thì chúng ta cũng nên làm điều tương tự với nước khác", Jeong Deok Hyun nói.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-lui-cua-truyen-hinh-han-quoc-post1328208.html