Bước ngoặt bất ngờ

Ngày 12-9, trở về từ chuyến công du tới thủ đô Tehran của Iran, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố: Thỏa thuận giữa IAEA và Iran về việc tiếp cận thiết bị giám sát tại các cơ sở hạt nhân của Iran đã tạo 'không gian cho các cuộc đàm phán ngoại giao'. Vậy mà, mới chỉ 5 ngày trước thôi, 7-9, IAEA còn phải rung lên hồi chuông cảnh báo, rằng nhiệm vụ giám sát của họ quanh vấn đề phát triển hạt nhân tại Iran 'đã bị suy giảm nghiêm trọng'.

Xuất phát điểm là niềm tin

Nhận xét bi quan ấy từ phía IAEA, vào tuần trước, có nguyên nhân là: “Kể từ ngày 23-2-2021, các hoạt động xác thực và giám sát của IAEA đã bị suy giảm nghiêm trọng khi Iran quyết định đình chỉ việc thực thi các cam kết liên quan tới hạt nhân của nước này”, IAEA làm rõ.

Iran nâng mức làm giàu urani lên gần mức sản xuất vũ khí hạt nhân.

Nhận xét ấy được đưa ra trong một thời điểm phức tạp và rối bời, khi chính Tổng Giám đốc Rafael Rossi cũng thể hiện sự bất lực và ông sẵn sàng đến Iran để gặp Tổng thống Ebrahim Raisi, song theo một số nguồn tin ngoại giao, Iran dường như “chưa sẵn sàng đối thoại” với IAEA. Trong khi đó, từ tháng 2, Iran đã đình chỉ một số hoạt động thanh tra của IAEA để phản ứng lại việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran. Đồng thời, Iran giới hạn IAEA trong việc truy cập các thiết bị giám sát như máy quay.

Và hơn thế, cho đến tận thượng tuần tháng 9, những nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015, giữa Iran và các cường quốc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) rơi vào bế tắc. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết vòng đàm phán tiếp theo - vòng đàm phán thứ 7 bao giờ mới có thể diễn ra, khi những bất đồng then chốt giữa Iran với P5+1 vẫn chưa có hướng tháo gỡ.

Tình hình đó, theo IAEA, cần phải được thay đổi ngay lập tức. Và khi những tiếng gõ vang lên, các cánh cửa đã hé mở.

Tân Tổng thống Iran Ebrahi Raisi là một nhà lãnh đạo cứng rắn.

Đích thân ông Rafael Grossi đã đến Iran, để rồi khi trở về Vienna (thủ đô nước Áo), hành trang ông mang theo là một bản thỏa thuận quan trọng. Thỏa thuận này được ông ký với Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami trước khi lên máy bay rời Tehran. Theo đó, Iran một lần nữa “hồi tâm chuyển ý”, cho phép các thanh sát viên của IAEA sử dụng thiết bị giám sát lắp tại các cơ sở hạt nhân Iran, đồng thời thay bộ nhớ dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được niêm phong, lưu trữ tại Iran và được hai bên giám sát chung.

Thỏa thuận ấy, như chính Tổng Giám đốc IAEA phát biểu, “giải quyết được vấn đề cấp bách nhất (với Iran) hiện nay, từ đó sẽ tạo cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao, để có thể đạt được các giải pháp mang tính bao trùm hơn”, nhằm khôi phục JCPOA. Ông nhấn mạnh thêm về việc thỏa thuận cho phép IAEA “có thể lưu giữ thông tin cần thiết, đảm bảo sự nắm bắt liên tục” về chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài ra, Iran đồng ý sẽ tham dự cuộc họp của IAEA vào tuần tới tại Vienna. Dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán bên lề cuộc họp này.

Đại Giáo chủ Ali Khameini.

Trong một tuyên bố chung, Tổng Giám đốc Grossi và Giám đốc Mohammad Eslami cùng nhấn mạnh tới “tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau”, đồng thời lưu ý rằng, giám sát là một vấn đề cần được giải quyết “theo cách thức kỹ thuật”.

Đó hiển nhiên là những động thái tích cực, những tia sáng lóe lên từ cuối đường hầm và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh với rất nhiều hy vọng. Nước Nga, thông qua Đại diện thường trực tại các tổ chức quốc tế ở Vienna - ông Mikhail Ulyanov kêu gọi “nối lại sớm nhất có thể các cuộc đàm phán về khôi phục JCPOA”. Cùng lúc, nhà đàm phán hạt nhân Enrique Mora của Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Niềm tin giữa các phía dường như đã lại bắt đầu được vãn hồi. Đó là kết quả của một cố gắng “phá băng” rất đáng ghi nhận từ cả IAEA lẫn Tehran, nhằm thúc đẩy đối thoại.

Mấu chốt vẫn là lợi ích

Có điều, dù được hoan nghênh và đánh giá cao, bước đột phá này vẫn chỉ là một trong những điều kiện cần, mà chưa thể xem là điều kiện đủ cho cả mục tiêu lớn. Vẫn còn một chặng đường rất dài trước mắt, để có thể nói tới sự hồi sinh đích thực của JCPOA.

JCPOA, trên thực tế, đã bị giáng một đòn mạnh đến mức gần như bị “khai tử” vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đưa nước Mỹ rời khỏi thỏa thuận này. Mọi bên tham gia, cũng như cả cộng đồng quốc tế, đều hiểu rất rõ rằng nếu không có sự tham gia của cường quốc số 1 thế giới, JCPOA sẽ bị suy giảm giá trị thực tiễn quá nhiều so với khi nó được hân hoan chào đón năm 2015 - như dấu mốc định hình một chặng đường mới vì hòa bình và ổn định trên thế giới. Cũng chính từ sự quay lưng này của Nhà Trắng, những hệ lụy kéo dài đã tạo nên tình thế rối ren hiện tại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải giải bài toán hóc búa với Iran.

Hiện tại, thay thế cựu Tổng thống Hassan Rouhani, Iran đã có một tân tổng thống với đường lối ngoại giao cứng rắn hơn gấp bội - điều được cổ vũ nhiệt thành bởi thủ lĩnh tinh thần tối cao của nước cộng hòa Hồi giáo ấy, Đại giáo chủ Ali Khameini. Quan điểm truyền thống của Iran, vốn đã được xác lập vững chắc, lại càng được củng cố: Nước Mỹ rút khỏi JCPOA, nghĩa là nước Mỹ đã “bội ước” và vi phạm các cam kết. Bởi vậy, Iran có quyền thu hẹp các cam kết của mình. Cũng bởi vậy, mọi biện pháp trừng phạt hay cấm vận mà nước Mỹ áp đặt lên Iran là bất công và phi lý. Do đó, nếu nước Mỹ muốn trở lại JCPOA và nếu các bên liên quan muốn những điều khoản của JCPOA tiếp tục được thực thi, điều kiện tiên quyết là Washington phải dỡ bỏ một cách vô điều kiện các lệnh trừng phạt.

Cho đến hiện tại, nước Mỹ vẫn không được xem là thành viên chính thức tham dự các vòng đàm phán JCPOA. Tehran vẫn từ chối tiếp xúc trực tiếp với phái đoàn Mỹ tại Vienna, buộc phái đoàn này phải vận động ở những kênh phi chính thức. Vì thế, do hai “nhân vật chính” chưa có cơ hội đối diện nhau để thương thảo cụ thể và kỹ càng, mọi cuộc thương lượng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố rất rõ ràng: Mọi cuộc đàm phán đều phải quan tâm đến điều chủ chốt là lợi ích của nhân dân Iran. Khi tuyên bố điều đó, ông cũng gián tiếp gợi lại trạng thái tinh thần thù địch trong năm ngoái, khi Iran xem các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “chủ nghĩa khủng bố y tế” (medical terrorism), bởi chúng làm trầm trọng thêm các khó khăn bủa vây Iran, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đại dịch toàn cầu COVID-19.

Từ góc nhìn ấy, bất cứ ai cũng có thể hiểu được sự cứng rắn mà Tehran thể hiện. Trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran không được phép làm giàu urani vượt mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 90% cần thiết để sử dụng cho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia IAEA, Iran giờ đây đã có 84,3 kg urani được làm giàu lên mức 20% (tăng từ mức 62,8 kg theo thông báo của IAEA hồi tháng 5), cũng như 10 kg urani được làm giàu lên mức 60% (tăng từ mức 2,4 kg). Thậm chí, ngoài chuyện ngăn cản các thanh sát viên, theo IAEA, Iran cũng không giải đáp các nghi vấn của tổ chức này, trong đó có những dấu vết urani được phát hiện tại 3 địa điểm mà Tehran chưa công bố. Bởi vậy, việc nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Rời Iran, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grassi (trái) trở về với một thỏa thuận mang tính đột phá.

Trước khi ông Rafael Grossi đến Tehran, Tổng thống Iran Raisi tuyên bố: “Trong trường hợp IAEA có cách tiếp cận không mang tính xây dựng thì việc cơ quan này mong đợi một phản ứng mang tính xây dựng từ Iran là điều không hợp lý. Hơn nữa, những hành động không mang tính xây dựng dĩ nhiên đã làm đảo lộn tiến trình của cuộc đàm phán”. Bên cạnh đó, ông Kazem Gharibabadi nêu rõ: “IAEA phải duy trì tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của mình. Các thành viên IAEA phải nghiêm túc, kiềm chế, không gây áp lực đối với cơ quan này vì những mục đích chính trị”.

Đó là sự đáp trả cho việc 3 cường quốc châu Âu: Anh - Pháp - Đức đã có những động thái gia tăng áp lực. Và cuối cùng, chiến thuật tạo sức ép ngược từ phía Iran dường như đã đạt được những thành tựu cần thiết. Việc ông Rafael Grossi công du đến tận “hiện trường” cho thấy rằng các bên liên quan khác cũng đều sốt ruột khi “cánh cửa thời gian không mở ra mãi mãi” - điều mà Iran được “nhắc nhở”.

Quả bóng trách nhiệm, đến lúc này, đã được trả ngược về phía “sân nhà” của các cường quốc (vẫn không có vai trò chính thức của Mỹ). Iran đã thể hiện rằng họ sẵn sàng minh bạch nhưng cũng đang làm được mục tiêu mà Đại giáo chủ cùng tổng thống của họ thống nhất: Tái thiết và phát triển đất nước độc lập (nghĩa là không để bị phụ thuộc, không sẵn sàng đánh đổi) với các vấn đề liên quan đến đàm phán hạt nhân.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/buoc-ngoat-bat-ngo-i628190/