Bước ngoặt định hướng Mỹ và Trung Đông trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden

Theo hãng CNN, chuyến thăm của Tổng thống Biden dự kiến diễn ra từ ngày 13-17/7 đón đầu các tín hiệu mới của Mỹ đối với khu vực Trung Đông.

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Trung Đông sắp tới thể hiện sự quan tâm của Mỹ với khu vực giữa những vấn đề nóng trong nước và quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo CNN, mục tiêu trong chuyến thăm của ông Biden lần này là nhằm cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia cũng như mối quan tâm lớn của Mỹ với thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi gián đoạn nghiêm trọng bởi căng thẳng ở Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của ông Biden ít nhiều phản ánh sự thay đổi chiến lược trong tư duy đối với khu vực này và hơn nữa là để quản lý khủng hoảng khu vực. Trung Đông vốn dĩ chứa đựng hàng loạt các vấn đề - từ Iran đến xung đột Israel – Palestine - rất khó có thể giải quyết "một sớm một chiều" cũng như khó đạt được sự ổn định và quyền lực lâu dài của chính Mỹ.

Điểm dừng chân ở Israel

Ý tưởng về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới Trung Đông bắt đầu bằng cuộc điện đàm hồi tháng Tư năm theo lời mời từ lãnh đạo của Israel.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng có chuyến thăm Ai Cập trong năm đầu tiên nhiệm kỳ. Và đến Tổng thống Biden, người luôn thể hiện sự ủng hộ đối với Israel chắc chắn sẽ không bỏ qua lời mời từ Thủ tướng Israel để có cơ hội cho Mỹ nói về Iran.

Ông Biden từng có quan điểm rất thực tế về triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine. Tại Liên hợp quốc hồi tháng 9/2021, ông Biden từng khẳng định giải pháp cho hai nhà nước là "một chặng đường dài". Tuy nhiên, đến khi bạo lực bùng phát vào tháng 5/2021 giữa Israel và Hamas cũng như những căng thẳng về Jerusalem đã khiến ông Biden phải vào cuộc và ít nhất khiến chính quyền Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Tổng thống Biden cũng nói rằng ông sẽ không để xảy ra bất kỳ bước đi nhầm lẫn nào của Mỹ với cả hai bên để tránh các bước khiêu khích gây ra bạo lực.

Tổng thống Biden vẫn khẳng định rằng dầu mỏ không phải là lý do chính cho chuyến thăm Saudi Arabia lần này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn, Tổng thống Biden có thể không đến Saudi Arabia hiện tại nếu không vì căng thẳng leo thang ở Ukraine và các tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nói dầu không phải là lý do chính trong chuyến thăm Trung Đông của ông Biden lần này bởi có lẽ ngay cả tác động mạnh của Saudi cũng không thể khiến thị trường dầu toàn cầu hạ nhiệt.

Về dầu mỏ, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông, theo các nhà quan sát, được xem là một khoản đầu tư cho tương lai, đặc biệt là hy vọng mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ cải thiện hơn, tạo điều kiện cho quốc gia Ả rập tăng thêm sản lượng ra thị trường toàn cầu vào cuối năm nay cũng như trong thời gian tới.

Theo CNN, Mỹ đang tiếp tục tăng cường cải thiện quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Israel Thomas Nides đã thông báo trong tuần này, khẳng định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ không diễn ra trong chuyến đi này.

Trung Đông đang chờ đợi chuyến thăm của Tổng thống Biden

Các chuyên gia cho rằng, kể từ khi Tổng thống Biden vào Nhà Trắng, Trung Đông vẫn chưa hiểu được cụ thể về chiến lược của Mỹ đối với khu vực này. Israel và các quốc gia vùng Vịnh cho rằng Washington đang ưu tiên giải quyết những vấn đề khác như Trung Quốc, Nga hay những vấn đề nội bộ của Mỹ.

Nước Mỹ đã trở lại Trung Đông, nhưng cần thời gian bao lâu? Người Saudi có thể muốn một cam kết đảm bảo an ninh rõ ràng từ Mỹ còn Israel có thể muốn được đảm bảo rằng Mỹ sẽ có kế hoạch cụ thể giúp họ ngăn Iran hạt nhân hóa.

Mỹ hiện vẫn chưa rút hết quân ở Trung Đông và đang chuẩn bị tăng cường hợp tác với Israel và các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là hệ thống phòng không tích hợp chống lại tên lửa và máy bay không người lái. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Biden hiện vẫn thận trọng với cả Israel và Saudi Arabia cũng như chưa hứa hẹn một ràng buộc nào có thể dẫn đến một chu kỳ leo thang kéo Washington vào cuộc chiến không mong muốn với Iran. Giới quan sát cho rằng, những ưu tiên thực sự của chính quyền ông Biden có lẽ đang nằm ở chỗ khác.

Chắc chắn, cả Israel và các quốc gia Ả rập có lẽ đều hiểu được ý đồ chính trị ở Washington và cũng có những định hướng mới của họ. Nếu có thể, chuyến thăm của ông Biden sẽ mang đến bước đột phá mới về chiến lược khu vực trong nhiệm kỳ đầu tiên này. Các chuyên gia có thể nhìn thấy mong muốn thực sự của Tổng thống Biden với khu vực ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự đáp lại của khu vực này với Mỹ đi đến đâu, hiện vẫn còn bỏ ngỏ./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/buoc-ngoat-dinh-huong-my-va-trung-dong-trong-chuyen-tham-cua-tong-thong-joe-biden-20220711112132457.htm