Bước ngoặt đưa con gái Hùm Thiêng Yên Thế đến với điện ảnh

Ngày 18/2/1930, Paul Doumer gửi đến François Píetri, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Bức thư này mang ý nghĩa quyết định: cùng năm 1930, Hoàng Thị Thế bắt đầu sự nghiệp điện ảnh.

 Hoàng Thị Thế trang điểm cho một cảnh quay.

Hoàng Thị Thế trang điểm cho một cảnh quay.

Trở lại Paris, Hoàng Thị Thế bắt liên lạc với người giám hộ mới, Paul Doumer. Có thật ông ta từng hứa hẹn với cha mẹ bà vào năm 1902, trước khi trở về Hà Nội, rằng trong trường hợp cần thiết, ông ta sẽ bảo vệ con gái của họ?

Còn một sự thay đổi quan trọng nữa, kể từ tháng 1 năm 1927 đó, Paul Doumer trở thành chủ tịch Thượng nghị viện. Hoàng Thị Thế kể lại cuộc đón tiếp ông ta dành cho bà:

“Khi tôi quay lại Pháp năm 1927, ông ta nói về thầy tôi rất lịch thiệp; ông ta tặng cho tôi một trong số các cuốn sách của ông ta. [Ông ta hứa] chừng nào ông ta còn sống thì không để tôi thiếu thốn bất cứ thứ gì. Ở Thượng nghị viện, ông ta giới thiệu tôi với các Thượng nghị sĩ rồi cả các nghị sĩ đảo Corse, đặc biệt ông ta gửi gắm tôi cho François Píetri, lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.

Ông ta nói với tôi về Đông Dương và bảo: 'Từ đây cho tới vài năm nữa chúng tôi xem xét liệu có thể thành lập một Toàn quyền người Đông Dương; đúng hơn là một Phó toàn quyền người Đông Dương và sẽ cộng tác với Pháp; như vậy sẽ tránh được các cuộc nổi dậy và chiến tranh vô ích'. Tôi vui sướng vô cùng khi một người Pháp quyền lực như thế lại rất coi trọng đồng bào của tôi.

Tôi liền thổ lộ với ông những tâm tình thiếu nữ.

- Sao cô không lấy cậu Untel nhỉ? Cậu ta giàu có, gia đình cậu ta thuộc loại gia đình Tin Lành danh giá nhất; họ thông gia với nhà de Coppet, với nhà Thượng nghị sĩ Siegfried (1). Cậu ta xuất thân vùng La Rochelle và cậu ta rất tốt.

- Chính bởi vì anh ấy quá tốt, không hút thuốc, không uống rượu, không chơi bời. Anh ấy chỉ nhìn mỗi tôi, thấy mỗi tôi, lúc nào cũng âu yếm. Ông thú thật xem, ông chủ tịch, như thế thì chán lắm. Tôi không dám lừa gạt anh ấy. Tôi sẽ đau khổ lắm, hối tiếc lắm!

Ông ta nhảy dựng khỏi ghế.

- Sao cơ? Sao cơ? Cô vừa nói gì vậy?

Tôi lặp lại cho ông ta nghe. Ông ta kinh ngạc.

- Ồ vâng, thưa chủ tịch. Một người anh họ của anh ấy là Thống đốc Tchad! (2) Một thuộc địa của Pháp. Ngày nào đó chúng tôi được tự do thì hẳn anh ấy sẽ bất mãn; anh ấy chiến đấu để giữ Đông Dương mà. Còn tôi, tôi luôn muốn đất nước tôi được tự do, ngày đó vẫn còn xa, không phải bây giờ. Nếu vậy, tôi sẽ lừa dối anh ấy, tôi sẽ làm việc cho đồng bào của tôi hoặc tôi ly dị ngay lập tức.

- À! Tôi hiểu rồi. Nhưng không phải là lừa dối cậu ta kiểu như… với một người đàn ông khác chứ?

- Không đời nào. Thế là đê tiện. Tôi muốn nói là dưới góc độ chính trị.

- Vậy là cô sẽ làm việc cho đất nước cô, chống lại chúng tôi. Nhưng cô nên biết: nếu phục vụ cho đất nước cô thì còn bất hạnh hơn nữa.

- Người ta không bất hạnh khi đó là một đất nước tự chủ.

- Những điều cô nói với tôi đây, cô đừng nói với bất cứ người Pháp nào. Cô có thể gặp rắc rối, và rắc rối to đấy.

- Tôi chỉ nói với ông bởi vì ông hiểu biết, vì ông là một trong những người đứng đầu chính phủ Cộng hòa. Ông có những tư tưởng phóng khoáng và ông hiểu tôi.

[…]

- Tốt lắm, cô bé. Tôi yêu quý cô và tôi không muốn người ta hại cô đâu.

Nhưng cuộc sống chơi bời xa hoa của giới thượng lưu vô công rỗi nghề không hợp với Hoàng Thị Thế. Chỉ sau một thời gian ngắn bà đã cảm thấy bất mãn, bà đành thổ lộ hoàn cảnh của mình cho người giám hộ.

Ngày 18 tháng 2 năm 1930, Paul Doumer gửi đến François Píetri, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, lá thư viết tay (3) sau đây:

“Ông bạn thân mến,

Tôi đã nhận được lá thư đính kèm đây của cô gái An Nam Hoàng Thị Thế, con gái Đề Thám, người đặt rất nhiều hy vọng vào ông. Nếu ông có thể khiến cô ấy toại nguyện, thì xin hãy làm giúp. Cô ấy yêu nước Pháp; nhưng lại bị những người An Nam đấu tranh đầy rẫy ở mẫu quốc lôi kéo, thành ra cô ấy có thể làm nguy hại tới sự nghiệp của nước Pháp.

Người bạn chân thành của ông,

Paul Doumer”.

Bức thư này mang ý nghĩa quyết định: cùng năm 1930, Hoàng Thị Thế bắt đầu sự nghiệp điện ảnh.

Bà đóng vai đầu tiên trong bộ phim La lettre (Bức thư), sản xuất bởi Paramount và đạo diễn bởi Louis Mercanton năm 1930. Bà vào vai nhân vật công chúa Trung Hoa tên là Li-Ti, dưới nghệ danh Hoàng Thị Thế. Nhân dịp này bà đặc biệt tiếp cận nam diễn viên Gabriel Gabrio, người sau đó nổi tiếng nhờ vai diễn Panturle, một nông dân xứ Aubignane, trong phim Regain do Marcel Pagnol đạo diễn năm 1937.

Người con gái được cả Paris gọi là công chúa Yên Thế bỗng thấy mình biến thành công chúa Hoàng Thị Thế, và rồi báo chí lại tung hô thành công chúa Trung Hoa, có lẽ vì ở Pháp, Yên Thế so với Trung Hoa ít được biết đến hơn. Ảnh bìa tạp chí Ciné-Miroir số 296 ra ngày 5 tháng 12 năm 1930 đã xác nhận điều đó.

Năm sau, đạo diễn Jack Salvatori nhập cả hai nhân vật công chúa Trung Hoa Li-Ti và diễn viên công chúa Hoàng Thị Thế vào trong bộ phim La dona bianca của ông, cũng giống như tác phẩm trước, bộ phim này được chuyển thể từ một truyện vừa của Somerset Maugham.

-----------------

1. Jules Siegfried (1837-1922).

2. Jules Marcel de Coppet.

3. Tài liệu lưu trữ của Quốc hội. Ms 1686 (PB 9970).

Claude Gendre / Omega Plus - NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-ngoat-dua-con-gai-hum-thieng-yen-the-den-voi-dien-anh-post1412663.html