Bước ra khỏi vùng an toàn

Chúng ta là con người, biết tạo ra vùng an toàn mới, chứ không chỉ quen thuộc với vùng an toàn cũ!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lúc đọc được tâm tư của một giảng viên đại học rằng: “Phải chăng chương trình học nặng lên hay các bạn ngại bước ra khỏi vùng an toàn?”, tôi nhập tâm vào từ khóa “vùng an toàn”. Rồi tôi lại nhớ những tình huống khi giảng dạy, tuyển dụng và nghiên cứu.

Ấy là những bạn sinh viên, luôn “cúi mặt” khi gặp một câu hỏi (vì các bạn sợ mình ngẩng mặt lên, giảng viên sẽ tưởng họ háo hức, mà làm cho câu hỏi rơi trúng họ!?). Đó là những lần, mà thường xuyên là như vậy thì phải, khi nói, có một công việc mới, cần ý tưởng, các bạn có làm không, thì hầu hết không ai giơ tay cả.

Là khi, ai đó, than vãn rằng đã rất chán công việc. Nhưng khi tôi hỏi: “Sao không tự thay đổi cách làm?” thì họ nói: “Ai cho thay đổi”, “Nhỡ thay đổi thì tệ hơn, biết làm sao”.

Kể cả với những người đã làm công tác quản lý. Trong tình huống, đã có nơi khác làm tốt, dù biết là nên làm, sẽ làm được, nhưng họ thường nói: “Nếu cấp trên mà đồng ý, thì họ làm ngay”.

Ảnh minh họa: INT

Giờ lại nói đến chuyện học của bọn trẻ. Tôi chứng kiến sự lặp lại mỗi lần mùa thi đến. “Hãy mau chóng cho đề minh họa là yêu cầu thường trực trên truyền thông. Các bậc làm cha làm mẹ, làm thầy, đều sợ “nếu đề không quen thuộc thì khổ tụi nhỏ”. Phải chăng, họ cho rằng “đề không quen thuộc” khiến đứa trẻ - mà không, cả “lứa học trò ấy” không an toàn. Thực ra, họ mới là đối tượng có tâm lí không an toàn! Muốn tất cả “trong tầm kiểm soát”, họ đã chuẩn bị cho những đứa trẻ. Chuyện này cũng được thể hiện ở những gì nhiều cha mẹ thường làm:

- Con nên, con phải đi học ở trường này (mới hợp với con, có nhiều người quen của bố, mẹ...).

- Con nên đi học ở đây, đi làm ở đây. Chỗ đó gần nhà, chỗ đó có nhiều người quen…

- Con đi làm việc này đi, ở chỗ này đi. Như thế mới dễ kiếm tiền, mới an toàn.

- Con nên mua nhà ở đây. Bố mẹ cho tiền này… vất vả làm gì.

Hoặc sẽ luôn luôn là: Con chỉ cần học giỏi thôi, không phải làm gì cả… và đặc biệt, “cuộc sống là màu hồng”, bố mẹ đã tạo dựng! Dù rằng, trong thâm tâm, người cha, người mẹ, người thầy nào cũng biết rằng “làm gì có cuộc sống đó”. Hoặc, sẽ xót xa làm sao, khi nghĩ đến con mình “lơ ngơ”, “vụng về”, “đầy lo lắng” khi chưa từng trải!!!

Tôi biết rất rõ, về tâm lí, nhu cầu được an toàn cũng quan trọng như “không khí” ấy. Nhưng chẳng phải, cứ là con người, thì sẽ đều thấy “không thể, không nên chỉ biết bầu không khí này”. Bởi sẽ có hôm “dở trời, thời tiết xấu”, ta thấy không dễ chịu đó thôi! Cho nên, ta muốn di chuyển, ta muốn có chiếc máy lọc, ta muốn được “thở một bầu không khí mới”. Biết đâu, leo lên núi cao, đi bộ ra biển, ta sẽ được mong ước ấy.

Nên hãy để chúng ta, được dùng bản năng của con người. Vì chúng ta là con người, biết tạo ra vùng an toàn mới, chứ không chỉ quen thuộc với vùng an toàn cũ!

Chu Cẩm Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/buoc-ra-khoi-vung-an-toan-post639725.html