Bước thăng trầm của Thần đồng chính trị En-ri-cô Lét-ta

Từng được kỳ vọng mang lại sức sống cho nền chính trị già nua và bế tắc của I-ta-li-a, song Thủ tướng nước này En-ri-cô Lét-ta, người được mệnh danh là 'thần đồng chính trị' của đất nước hình chiếc ủng, đã phải từ bỏ chức vụ sau 11 tháng nắm quyền. Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta đã tuyên bố từ chức hôm 13-2 vừa qua, sau khi Ban lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền theo đường lối trung-tả của ông bỏ phiếu ủng hộ việc lập tức thay đổi Chính phủ để thúc đẩy cải cách.

Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters

Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters

Thần đồng chính trị

Lét-ta sinh tại Pi-xa, theo học ngành chính trị và luật quốc tế, đồng thời là thành viên tích cực của đảng Dân chủ cơ đốc giáo khi còn là sinh viên, chính đảng sau đó bị sụp đổ trong xì-căng-đan tham nhũng. Trong giai đoạn 1991 -1995, Lét-ta dẫn đầu phong trào thanh niên trung hữu của những người dân chủ Cơ đốc giáo, sau đó làm việc tại Bộ Tài chính trước khi gia nhập Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Ma-xi-mô A-lê-ma năm 1998.

Là một chính trị gia đầy tham vọng, ông Lét-ta sau đó đầu quân cho hai vị Thủ tướng là Giu-li-a-nô A-ma-tô và Rô-ma-nô Prô-đi trong thời kỳ đầy chia rẽ giữa cánh hữu và cánh tả tại I-ta-li-a mà hậu quả là sự lên ngôi của chính quyền Béc-lu-xcô-ni. Một trong những thần tượng của ông là nhà lãnh đạo Nen-xơn Man-đê-la, biểu tượng cho tinh thần chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai tại Nam Phi.

Lét-ta là một trong những nhân vật tiên phong của đảng Dân chủ (PD) từ khi chính đảng này ra đời năm 2007, với thành viên gồm đảng Cộng sản I-ta-li-a và một số đảng nhỏ theo đường lối trung dung. Thất bại trong cuộc bầu Chủ tịch đảng, từ năm 2009 đến nay, Lét-ta giữ ghế Phó Chủ tịch đảng PD. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, trong đó có cuốn "Xây dựng một thánh đường: Tại sao I-ta-li-a cần quay lại với những ý tưởng lớn?" và "Đã đến hồi kết của châu Âu?" với nội dung kêu gọi một mô hình liên kết mới cho châu Âu nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngày 24-4-2013, ông En-ri-cô Lét-ta được Tổng thống G. Na-pô-li-ta-nô chỉ định làm Thủ tướng mới của I-ta-li-a thay thế cho ứng viên Pi-e Lui-gi Béc-xa-ni từ nhiệm ngay trước đó. Ở tuổi 46, Lét-ta là vị Thủ tướng trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử của I-ta-li-a, một quốc gia trong những năm gần đây thường được biết đến với những chính khách lớn tuổi.

Đánh giá về Thủ tướng Lét-ta, các chuyên gia đã dùng cụm từ "thần đồng chính trị", khi ông sớm thể hiện năng khiếu của một chính trị gia bẩm sinh và nhanh chóng thành công trên 4 cương vị trong Chính phủ. Lét-ta đã kinh qua các chức vụ chủ chốt như Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Bộ trưởng Thương mại-Công nghiệp trong Chính phủ trung hữu hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

Những thế cờ đảo ngược

Việc Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta lên lãnh đạo đất nước I-ta-li-a hồi tháng 4-2013 từng được kỳ vọng khai thông bế tắc chính trị kéo dài ở quốc gia hình chiếc ủng này. Để thành lập được Chính phủ, đảng PD trung tả của ông En-ri-cô Lét-ta đã phải chấp nhận liên minh với đảng PDL trung hữu của cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni, một đối thủ truyền thống. Thực tế, để thành lập được Chính phủ liên minh, ông En-ri-cô Lét-ta đã phải nhượng bộ khá nhiều và đã ưu ái dành cho đảng của ông Béc-lu-xcô-ni nhiều vị trí bộ trưởng trong Nội các mới, đồng thời cũng hứa sẽ hủy bỏ thuế nhà ở và hoàn trả lại tiền thuế đã thu của người dân trong năm 2012.

Thế nhưng, sau gần nửa năm "chung sống không hòa bình", ngày 28-9-2013, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ An-gê-li-nô An-pha-nô thông báo tất cả 5 bộ trưởng của PDL, trong đó có ông, đã từ chức, "theo lệnh" của lãnh đạo PDL Béc-lu-xcô-ni. Thông báo này được đưa ra sau khi ông Béc-lu-xcô-ni "không chấp nhận" việc Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ liên minh tả-hữu. Cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni cũng đổ lỗi cho Chính phủ I-ta-li-a hiện hành của Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), cho rằng tăng VAT là một sự "vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận về thành lập Chính phủ liên minh tả-hữu hiện nay".

Theo nhận định của giới quan sát, việc đổ lỗi trên chỉ là một cái cớ. Động cơ chính của ông Béc-lu-xcô-ni và đảng PDL chính là việc gây sức ép đối với Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta trước thời điểm Thượng viện I-ta-li-a ngày 2-10-2013 bỏ phiếu để khai trừ "ông trùm" của họ khỏi cơ quan lập pháp, dựa trên một đạo luật chống tham nhũng năm 2012.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Béc-lu-xcô-ni bất ngờ thay đổi lập trường khi ủng hộ Chính phủ cầm quyền, giúp cho Chính phủ liên minh tả-hữu của Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 2-10, tại Thượng viện và Hạ viện. Tình huống bất ngờ này khiến giới chính trị gia ở I-ta-li-a thở phào nhẹ nhõm, còn Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta tuyên bố, đây là một ngày lịch sử và tình thế đã sáng sủa hơn để I-ta-li-a hướng xa về phía trước. Không chỉ vậy, nó còn giúp cho I-ta-li-a tránh được một cuộc khủng hoảng Chính phủ nghiêm trọng và khả năng phải tổ chức Tổng tuyển cử sớm.

Nhưng niềm vui của ông Lét-ta chẳng được bao lâu, khi những lời chỉ trích xung quanh việc ông chậm thi hành các chính sách cải cách kinh tế xuất hiện ngày một nhiều. Đỉnh điểm là việc Ban lãnh đạo đảng PD đã thông qua kiến nghị của Tổng Thư ký đảng PD Ma-teo Ren-di, yêu cầu lập tức thay đổi Chính phủ. Theo ông Ren-di, trong khoảng thời gian từ 2-2008 đến nay, I-ta-li-a đã chìm vào cuộc suy thoái nặng nề nhất và kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, với tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới xấp xỉ 13% và nợ công chiếm 133% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Khả năng I-ta-li-a thoát khỏi suy thoái trong năm nay và năm tới cũng chưa thực sự rõ ràng.

Với việc đảng Dân chủ thông qua quyết định trên, Chính phủ I-ta-li-a do ông Lét-ta lãnh đạo buộc phải giải tán sau 300 ngày hoạt động, từ tháng 4-2013. Ông Ren-di, 39 tuổi, nếu được Tổng thống Na-pô-li-ta-nô bổ nhiệm, sẽ trở thành Thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử I-ta-li-a, sau ông Giô-va-ni Gô-ri-a đứng đầu Chính phủ năm 1987, ở tuổi 34. Trong các cuộc thăm dò dư luận được công bố tuần trước, ông Ren-di là chính trị gia được cử tri tín nhiệm cao nhất với 56% số ý kiến ủng hộ. Trước đó, ông Ren-di khẳng định, ông muốn "đưa I-ta-li-a ra khỏi vũng lầy". "I-ta-li-a cần một Chính phủ có năng lực để thực hiện các cải cách cần thiết và có khả năng đứng vững cho tới năm 2018", ông Ren-đi nhấn mạnh.

Theo hãng tin ANSA của I-ta-li-a, nếu được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới, nhiều khả năng ông Ren-di sẽ yêu cầu ông Lét-ta giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ mới nhằm thực hiện các chính sách về kinh tế mà chính ông Lét-ta đã đề ra trong kế hoạch trình Quốc hội hôm 12-2 vừa qua, trong đó, chú trọng việc cải cách thị trường lao động, cắt giảm thuế đối với lao động và thuế thu nhập.

Phương Châu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/buoc-thang-tram-cua-than-dong-chinh-tri-en-ri-co-let-ta/