Bước tiến của boxing nữ Việt Nam

Với 5 võ sĩ chủ nhà lọt vào trận chung kết chiều 8-11, Giải Vô địch boxing nữ châu Á đang chứng kiến sự trưởng thành của các tay đấm nữ Việt Nam sau một thời gian môn võ này bị lãng quên

Dễ dàng vượt qua tay đấm Aya Shinmoto đến từ Nhật Bản và Liu Piaopiao của Trung Quốc, Lê Thị Bằng đã góp mặt ở trận bán kết 54 kg, gặp võ sĩ đến từ CHDCND Triều Tiên Song Sim Kim và chiến thắng 5-0 để vào chung kết. Cùng với Bằng, hy vọng vàng Lừu Thị Duyên cũng chiến thắng nữ võ sĩ Triều Tiên Choe Hye Song ở trận bán kết hạng cân 60 kg. Trước đó, nữ võ sĩ trẻ Nguyễn Thị Tâm cũng vượt qua võ sĩ đến từ Mông Cổ Nandintsetseg Myagmardulam ở bán kết hạng cân 51 kg. Hai VĐV khác vào chung kết là Nguyễn Thị Hương (dưới 81 kg) và Trần Thị Oanh Nhi (trên 81 kg).

Lê Thị Bằng (trái) trong trận thắng áp đảo với tỉ số 5-0 trước võ sĩ Triều Tiên ở bán kết hạng cân 54 kg

Lê Thị Bằng (trái) trong trận thắng áp đảo với tỉ số 5-0 trước võ sĩ Triều Tiên ở bán kết hạng cân 54 kg

Với 5/10 võ sĩ vào tranh HCV trong sự tâm phục khẩu phục của đối thủ, các tay đấm nữ chủ nhà cho thấy sự tiến bộ đáng khích lệ, theo như nhận xét của một thành viên BTC. Trưởng bộ môn quyền Anh Tổng cục TDTT, tiến sĩ Vũ Đức Thịnh, cho biết: "Để có được thành công này, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục TDTT tập trung phát triển boxing nữ. Thời gian vừa qua, chúng ta có những tay đấm đạt đến đẳng cấp thế giới và giành được thành tích cao ở đấu trường quốc tế như HCV trẻ thế giới, 2 HCĐ Á vận hội và 2 HCV SEA Games 2015. Năm nay, boxing nữ không được đưa vào thi đấu ở SEA Games nhưng lãnh đạo bộ môn và tổng cục đã nhận định chúng ta không tập trung cho đấu trường khu vực mà chú trọng giành thành tích cao nhất ở đấu trường châu lục và xa hơn là Olympic".

Tổng cục TDTT đang chú trọng đầu tư, đưa boxing trở thành một trong những môn thể thao trọng điểm, đặc biệt là boxing nữ. Nói rõ hơn về điều này, ông Thịnh khẳng định: "Gần đây, chúng tôi đưa boxing về khu vực ĐBSCL - một trong những địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển. Qua một vài năm đào tạo ở ĐBSCL, nhiều gương mặt mới được phát hiện, như Đỗ Hồng Ngọc (17 tuổi, Cần Thơ) đoạt HCV giải toàn quốc, HCV giải trẻ Đông Nam Á, đánh thắng cả các đối thủ Thái Lan và Philippines. Tiềm năng của boxing nữ Việt Nam rất tốt. Nếu chúng ta đầu tư đúng, đầu tư trọng điểm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có HCV ở Á vận hội và Olympic trong 3-4 năm tới".

Nhìn rộng ra, Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Việt Nam Trần Minh Tiến cho rằng chúng ta phải làm sao để chuyên nghiệp hóa boxing, đưa môn này trở thành một nghề, tức là khi võ sĩ thi đấu là phải có tiền, có thưởng. "Có như vậy thì các em mới có chi phí để nuôi sống được bản thân và gia đình, đặc biệt là các tay đấm nữ. Làm được như vậy, chúng ta mới giữ được VĐV giỏi. Đó là một trong những vấn đề mà Liên đoàn quyền Anh đã đặt ra với lãnh đạo ngành TDTT. Phải giải quyết được vấn đề đó thì mới đưa boxing tiến lên và có thành tích sánh ngang với các nước trong khu vực, châu lục cũng như thế giới".

Bài và ảnh: Quang Liêm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/buoc-tien-cua-boxing-nu-viet-nam-20171107213340918.htm