Bước tiến đáng khích lệ

Tình hình Li-bi ghi nhận những tiến triển đáng khích lệ khi các phe phái đối địch tham gia cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên diễn ra tại Li-bi. Cộng đồng quốc tế hy vọng những bước tiến tích cực trên bàn đàm phán giúp mở ra lộ trình chính trị, hướng tới ổn định tình hình và phục hồi hoạt động sản xuất 'vàng đen' của cường quốc dầu mỏ khu vực.

Tình hình Li-bi ghi nhận những tiến triển đáng khích lệ khi các phe phái đối địch tham gia cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên diễn ra tại Li-bi. Cộng đồng quốc tế hy vọng những bước tiến tích cực trên bàn đàm phán giúp mở ra lộ trình chính trị, hướng tới ổn định tình hình và phục hồi hoạt động sản xuất “vàng đen” của cường quốc dầu mỏ khu vực.

Cuộc đàm phán diễn ra tại thị trấn Ga-đam, cách thủ đô Tơ-ri-pô-li của Li-bi khoảng 465 km về phía tây nam, tạo bước ngoặt trên cả chính trường và chiến trường Li-bi, khi hai phe phái tham chiến đều thể hiện quyết tâm thực thi một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại Li-bi kể từ khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) do Tướng K.Háp-ta dẫn đầu đánh chiếm thủ đô Tơ-ri-pô-li hồi tháng 4-2019. Quyền đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Li-bi, bà X.Uy-li-am hoan nghênh các phe đối địch tại Li-bi khởi động thảo luận việc triển khai lệnh ngừng bắn, trong bối cảnh Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) và LNA đã đạt tiến triển trên bàn thương lượng.

Cùng với lệnh ngừng bắn, tình hình tại Li-bi thời gian qua có những chuyển biến đáng kể, sau khi các phe phái chọn đối thoại thay cho đối đầu. Việc ngừng giao tranh đã tạo điều kiện chấm dứt phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông. Nhiều người dân Li-bi được trở về nhà sau thời gian dài đi lánh nạn vì xung đột. Các hoạt động sản xuất dầu mỏ được nối lại với kỳ vọng đưa ngành công nghiệp dầu khí của Li-bi sớm phục hồi, với sản lượng khai thác bước đầu khoảng 800.000 thùng/ngày.

Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, đất nước Li-bi bị chia rẽ sâu sắc và hình thành hai lực lượng chính, với một bên là GNA được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-ta ủng hộ, với bên kia là LNA, được Ai Cập, Nga, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hậu thuẫn. Với nỗ lực trung gian của LHQ, thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho Li-bi, đạt được sau các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) gần đây, được hy vọng giúp chấm dứt xung đột giữa các phe phái, cũng như sự can thiệp của bên ngoài vào tình hình Li-bi. Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn lệnh ngừng bắn, đồng thời kêu gọi các bên ở Li-bi thực thi cam kết một cách đầy đủ. LHQ nhấn mạnh, các lực lượng tại Li-bi cũng như các nước liên quan cuộc chiến ở Li-bi phải tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với quốc gia Bắc Phi này.

Đối thoại giữa đại diện các tầng lớp dân cư và các nhóm sắc tộc tại Li-bi cũng được tiến hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Li-bi (UNSMIL) cho biết, cuộc đối thoại trực tuyến gần đây đã thu hút sự tham gia của các đại diện hai nghị viện đối địch, các nhà hoạt động xã hội và cả đại diện nữ giới. Các đại biểu đến từ nhiều đơn vị bầu cử khác nhau, đại diện cho tất cả các thành phần xã hội, công bằng về các yếu tố địa lý, sắc tộc, chính trị và xã hội. Theo UNSMIL, các cuộc đối thoại chính trị hiện do LHQ làm trung gian sẽ mở đường cho Diễn đàn Đối thoại chính trị Li-bi, dự kiến diễn ra trong tháng 11 này, tại thủ đô Tuy-nít của Tuy-ni-di. Theo quan chức LHQ, các cuộc đối thoại cần có trọng tâm rõ ràng, đó là chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia trong thời gian sớm nhất. UNSMIL hối thúc các bên cùng gánh vác trách nhiệm trước người dân Li-bi, tham gia đối thoại mang tính xây dựng và tin cậy, với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia. LHQ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các phe phái tại Li-bi tận dụng cơ hội hiện nay để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo, đồng thời chấm dứt sự can thiệp của bên ngoài vào tình hình Li-bi.

Cộng đồng quốc tế hy vọng, những bước tiến tích cực sẽ tạo đà khích lệ các phe phái ở Li-bi sớm hóa giải bất đồng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết nhằm thúc đẩy một tiến trình chuyển tiếp chính trị, tiến tới các cuộc bầu cử công bằng, đưa Li-bi trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển.

Đan Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/buoc-tien-dang-khich-le-623626/