Bước tiến không ngừng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU

Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU).

ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977, sau đó nâng cấp quan hệ lên đối tác tăng cường năm 2007 và tháng 12/2020 nhất trí chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đang phối hợp thực hiện Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2023 - 2027.

Giới quan sát đánh giá, sau gần nửa thập kỷ, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển.

Về chính trị - an ninh, EU nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chiến lược hợp tác của liên minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn.

EU đã tham gia các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - EU thường niên, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các cơ chế liên quan khác như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU (AEMM), Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - EU.

EU là tổ chức khu vực đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012, đồng thời cử đại sứ chuyên trách và lập phái đoàn thường trực tại ASEAN từ năm 2016. Đến nay, đã có 25 nước thành viên EU cử đại sứ tại ASEAN.

Hai bên cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia cũng như đối thoại cấp cao về hợp tác an ninh biển.

Về kinh tế - thương mại, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, đồng thời là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 (sau Mỹ) với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU năm 2021.

Trong hợp tác kinh tế, EU đang hỗ trợ ASEAN thông qua 2 chương trình chủ đạo là Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường (ARISE Plus) và Đối thoại chính sách khu vực EU - ASEAN nâng cao (E-READI).

Từ nhiều năm qua, hai bên đã thảo luận về khả năng thiết lập FTA song phương, nhất trí thúc đẩy trao đổi về các lĩnh vực cùng quan tâm hợp tác như phát triển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ xanh, dịch vụ xanh… và các hình thức triển khai phù hợp.

ASEAN và EU cũng chú trọng ưu tiên thúc đẩy hợp tác về kết nối. Ngày 17/10/2022, hai bên đã ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU (ASEAN-EU CATA), mở ra nhiều cơ hội cho các hãng hàng không khai thác dịch vụ hành khách và vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy kết nối người dân và các nền kinh tế hai bên, tích cực đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Về văn hóa - xã hội, EU hỗ trợ ASEAN thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới, bảo hộ lao động nhập cư, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chương trình học bổng và hỗ trợ giáo dục sau đại học như SHARE, hợp tác khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai…

EU cũng là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong phòng chống và giảm thiểu các tác động của Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, thông qua gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro, “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu Euro…

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức, cả ASEAN và EU đều hướng tới việc tăng cường trách nhiệm gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và khắp toàn cầu.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buoc-tien-khong-ngung-cua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-asean-eu-2089051.html