Bước tiến lớn

KTĐT - Chẳng cần phải bàn cãi nhiều bởi tới thời điểm này, tất cả cùng thừa nhận bầu sữa nuôi bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) chính là tiền. Chính vì thế, dòng tiền luân chuyển trong BĐVN cũng có thể được coi như một thước đo về sự phát triển.

Chuyện V.League… Gần chục năm trước, khi V.League vừa khai sinh, mỗi CLB được chia đều một miếng bánh có giá trị 1,4 tỷ đồng. Đổi lại, tất cả cùng mặc áo in tên nhà tài trợ SyncMaster. Điều đáng nói là lúc đó, 1,4 tỷ đồng đã được coi như một con số quá lý tưởng. Bởi thời điểm ấy, đòi hỏi từng CLB tự chạy lo tài trợ là điều không tưởng. Hầu hết các CLB vẫn chỉ sống dựa vào bầu sữa ngân sách. Nếu BTC V.League không đứng ra nhận trách nhiệm tìm tài trợ chung, nguy cơ nhiều CLB vào giải trong tình trạng thiếu tiền vì không có Mạnh Thường Quân là hiển hiện. Thậm chí, cần nói thêm là chính BTC V.League lúc ấy cũng thông qua nhà môi giới Strata mới kết duyên được với SyncMaster. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác trước. Cá biệt vẫn còn những CLB nghèo, khó xoay tài trợ. Nhưng phần đông đã không còn phải quá lo cơm áo gạo tiền nhờ sự giúp sức của các doanh nghiệp. Bây giờ, chuyện mỗi CLB có khoảng 20 tỷ/mùa không còn khiến ai giật mình. Trong số đó, doanh thu từ tài trợ chiếm khoảng 5-7 tỷ, tương đương 1/4 1/3 ngân sách chung. Đấy là chuyện ở những đội bóng còn chịu ảnh hưởng lớn của tỉnh, thành hay ngành. Đối với những CLB đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, gần như toàn bộ chi phí do doanh nghiệp đứng ra xoay xở. Ở những đội bóng này, chuyện tiền phục vụ lương, thưởng thường “không phải nghĩ”. Đó là một bước tiến lớn trong hoạt động “tìm tiền” ở V.League. …Và xa hơn Dĩ nhiên, khi V.League không còn khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ, nguồn tài chính sẽ trở nên dồi dào hơn. Vì thế, giải đấu cũng được tiếp thêm sinh lực. Bởi suy cho cùng, một giải bóng đá chỉ mạnh khi nó có nguồn tiền mạnh. Ngoài ra, đối với BĐVN, điều may mắn là những năm qua, dòng tiền không chỉ được “bơm” vào V.League. Công tác thu hút tài trợ cho các hoạt động bóng đá nói chung đều có bước tiến. Ví dụ như ở cấp đội tuyển, năm 2006, nếu tổng tài trợ chỉ vẻn vẹn 2,2 tỷ đồng thì tới năm 2009, doanh thu đã lên tới 24,768 tỷ đồng, tăng gấp hơn một chục lần. Số lượng những nhà tài trợ tìm đến với ĐTQG cũng giống như tại V.League, ngày một tăng đều và ổn định hơn trước. Suy cho cùng, đó đều là những tín hiệu đáng mừng cho BĐVN, nhất là khi chúng ta đã xác định muốn lên chuyên nghiệp, phải đẩy mạnh xã hội hóa. Bởi chỉ khi đó, BĐVN mới huy động được nhiều nguồn lực kinh tế, phục vụ nhu cầu phát triển. Hẳn nhiều người chưa quên thời kỳ 2005-2006, khi các nhà tài trợ đồng loạt tháo chạy vì dư âm tiêu cực. Nhớ tới “vết đen” ấy để hiểu rõ hơn giá trị của những bước tiến hiện tại. Và tất nhiên, hiểu đã quan trọng, giữ và duy trì đà tiến ấy còn quan trọng hơn. Khó nhưng cần phải làm! Theo BBĐ

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=27&newsid=178624