Bước tiến mạnh mẽ của quá trình tự chủ đại học

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều 19/11, với số phiếu tán thành 84,12%, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Luật được thông qua đã đáp ứng sự mong đợi của các trường ĐH và là bước đột phá để các trường thực hiện tự chủ.

Ảnh minh họa/ Internet

Ảnh minh họa/ Internet

Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất đó là các quy định về Hội đồng trường. PGS.TS Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

* Theo dự án Luật, số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người và thành viên bên ngoài trường ĐH chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên của hội đồng trường. Vậy PGS có quan điểm như thế nào về số thành viên Hội đồng trường?

Hướng dần tới các nước trên thế giới

- Theo tôi, quy định về thành viên Hội đồng trường như vậy là hợp lý, phù hợp với bối cảnh hiện nay của ĐH Việt Nam và cũng là đang hướng dần tới các nước trên thế giới. Đối với nhiều trường ĐH có danh tiếng trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì thành viên ngoài nhà trường trong Hội đồng trường chiếm đa số, tối thiểu cũng là 50%, thậm chí là Chủ tịch Hội đồng trường của họ là người ngoài.

Tôi cũng rất hiểu bối cảnh Việt Nam có phần khác với các nước vì sự phát triển của công nghiệp, những công việc hành chính có lẽ sẽ khiến cho các đại diện bên ngoài, các cơ quan bên ngoài khó dành được nhiều thời gian để tham gia vào các hoạt động của trường ĐH như họ mong muốn.

Hội đồng trường là một thiết chế còn khá mới mẻ ở Việt Nam, mặc dù được quy định trong Luật GD ĐH năm 2012, nhưng trên thực tế Hội đồng trường chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH lần này với những quy định cụ thể hơn, khả thi hơn về Hội đồng trường, đặc biệt là về nhân sự của Hội đồng trường được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để Hội đồng trường thực sự trở thành cơ quan quyền lực thực chất trong cơ sở GD ĐH công lập.

PGS.TS Lê Minh Thắng

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có rất nhiều người dành sự quan tâm đặc biệt và rất tâm huyết cho các trường ĐH, họ đều rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của Hội đồng trường. Trong số đó phải kể đến các cựu sinh viên hoặc là cựu cán bộ của trường đã thành danh tại các lĩnh vực công tác khác bên ngoài nhà trường và cả các nhà sử dụng lao động của trường, do trường đào tạo nên.

Vấn đề những người này khi tham gia vào hoạt động của Hội đồng trường thì phải thực sự tâm huyết và có trách nhiệm. Sự tham gia của các thành viên ngoài trường sẽ thực sự có lợi cho hoạt động cũng như định hướng phát triển của nhà trường, giúp nhà trường có cái nhìn khách quan từ bên ngoài và cũng giúp thay đổi cách thức quản trị nhà trường một cách hiệu quả.

Đối với trường chúng tôi hiện nay, sự tham gia của các thành viên bên ngoài trường thực sự là rất quan trọng đối với Hội đồng trường, các thành viên ngoài trường của chúng tôi luôn thể hiện hết tinh thần trách nhiệm và đóng góp đầy đủ các ý kiến về các vấn đề mà Hội đồng trường xin ý kiến, ngoài ra còn hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong việc đổi mới cách thức quản trị nhà trường cũng như hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp.

* Ngoài vấn đề tâm huyết và trách nhiệm, theo PGS các thành viên của Hội đồng trường cần đạt những tiêu chí hay tiêu chuẩn nào?

Nếu nói đến tiêu chí hay tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng trường, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là các thành viên Hội đồng trường cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước xã hội, cán bộ và sinh viên nhà trường về các quyết định của mình.

Vì vậy, các thành viên Hội đồng trường trước hết phải thực sự ý thức và nắm rõ được trách nhiệm, quyền hạn của mình, phải có tâm với sự phát triển chung của nhà trường và xã hội, không vì lợi ích của một nhóm.

Các thành viên Hội đồng trường cũng cần có cái nhìn đủ thoáng, rộng và xa để có thể tham gia quyết định các vấn đề trọng đại của nhà trường, bởi vì những vấn đề họ quyết định ảnh hưởng của nó thường không thể hiện ngay sau khi quyết định mà có thể ảnh hưởng từ 5 - 10 năm sau.

Hội đồng quyền lực thực sự

* Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, PGS có kỳ vọng gì nhằm phát huy vai trò thực sự của Hội đồng trường để đây thực sự là một tổ chức giúp sức cho cơ sở GD ĐH phát triển?

- Tôi cho rằng, những quy định đưa ra trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH lần này đã thể hiện hết sức mạnh mẽ trên tinh thần là để Hội đồng trường có thể trở thành hội đồng quyền lực thực sự.

Vì vậy có thể nói, mọi điều đưa ra đều chưa thể hoàn thiện được, đâu đó vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng chúng ta cũng không thể cầu toàn hết được. Song tôi cho rằng, với những quy định được thể hiện ở trong luật cũng đã tạo nên một bước tiến mạnh mẽ và nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ ĐH. Do đó việc áp dụng Luật này vào thực tế cũng vô cùng quan trọng. Theo đó những trường ĐH thực sự tự chủ, vai trò của Hội đồng trường với đầy đủ những quy định về quyền hạn và được nâng cao như vậy sẽ phát huy tác dụng.

* Trước đó, có đại biểu Quốc hội đề xuất tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường phải đạt được một tầm nào đó chứ không phải chỉ chung chung là có kinh nghiệm tham gia quản lý GD ĐH 5 năm? Vậy quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi được biết, một trong những tiêu chuẩn của việc bầu chủ tịch hội đồng trường được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH đó là phải có kinh nghiệm quản lý GD ĐH. Theo tôi hiểu có kinh nghiệm quản lý GD ĐH là đã từng tham gia Ban Giám hiệu hay tham gia quản lý cấp trường.

Tôi thấy việc quy định như vậy là khá hợp lý, vì tôi cho rằng một cá nhân khi họ thực sự có năng lực và tầm nhìn thì cũng không cần phải trải qua một nhiệm kỳ trong Ban Giám hiệu mới có thể đủ tầm nhìn vĩ mô.

- Xin cảm ơn PGS.TS Lê Minh Thắng!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/buoc-tien-manh-me-cua-qua-trinh-tu-chu-dai-hoc-3965079-b.html