Bước tiến trong cải thiện cuộc sống người dân

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về 'Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh'. Việc thực hiện chương trình đã tạo ra những bước tiến quan trọng trong các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, an sinh xã hội… Qua đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bài 1: Nâng cao chất lượng nhân lực

Hà Nội vốn là “đất học”. Chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Thủ đô. Triển khai Chương trình 04, thành phố đã dành những nguồn lực quan trọng để phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực. Những năm qua, giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị trí là lá cờ đầu của giáo dục cả nước, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, triển khai các nhiệm vụ về giáo dục trong Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, thành phố đã tập trung vào ba nhiệm vụ chính là đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và chất lượng giáo dục. Từ năm 2016 đến hết năm 2019, thành phố đã xây mới 261 trường, cải tạo 841 trường, với tổng số 16.346 phòng học. Ngoài ra, Hà Nội đầu tư mạnh mẽ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Đến nay, tất cả các trường mầm non được trang bị đủ máy tính và máy chiếu, khoảng 80% các trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đều có phòng thực hành máy tính nối mạng. Toàn bộ các trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đều có tối thiểu một phòng thực hành máy tính nối mạng. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giúp Hà Nội có 1.494 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 55,1%. Một số quận, huyện có hơn 80% số trường đạt chuẩn quốc gia như: Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ và Gia Lâm…

Đối với đội ngũ giáo viên, thành phố đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa. Hiện tất cả các giáo viên ở các cấp học đạt chuẩn đào tạo. Ở bậc mầm nom, tiểu học, THCS, hơn 80% giáo viên có trình độ trên chuẩn. Sự đầu tư này đem đến những bước tiến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Đến năm 2019, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 96,18%, cao hơn mức trung bình cả nước. Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II năm 2015. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực và phẩm chất đều đạt cao. Số học sinh được học hai buổi/ngày tiếp tục tăng (đạt 94,74%). Giáo dục THCS và THPT tiếp tục duy trì và giữ vững. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá đạt 99%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi và khá đạt gần 78%. Chất lượng giáo dục còn thể hiện rõ nét qua các kỳ thi trong nước và quốc tế. Hà Nội luôn có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi ô-lim-pích quốc tế các môn: Vật lý, Hóa học, Toán học… Riêng năm 2019, học sinh Hà Nội giành 155 giải quốc gia và 283 giải quốc tế các loại. Chú trọng sự phát triển toàn diện của học sinh, Hà Nội đưa vào giảng dạy hai bộ tài liệu: “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” và “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh Hà Nội”. Thông qua việc giảng dạy đã làm thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của học sinh trong ứng xử và chấp hành quy định pháp luật.

Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố chú trọng chất lượng đào tạo nghề. Thực hiện chủ trương tinh giản, thành phố giao một đầu mối quản lý việc đào tạo nghề là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sáp nhập các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục thường xuyên cấp quận, huyện thành một đầu mối. Hiện nay thành phố có 365 đơn vị giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp của nhiều thành phần kinh tế. Một điểm mới trong đào tạo nghề là gắn hoạt động đào tạo với hoạt động của các doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, 21 trường dạy nghề công lập đã hợp tác 560 lượt doanh nghiệp tuyển sinh và đào tạo được 37.650 học sinh. Số học sinh tốt nghiệp được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc ngay chiếm 74,8%. Đối với lao động nông thôn, thành phố phê duyệt 33 bộ chương trình đào tạo nghề, có 73.842 lao động có việc làm sau khi học nghề, được đào tạo nghề, trung bình mỗi năm là 21.500 lao động (chiếm 85,86%). Tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực ASEAN trong những năm gần đây, nhiều thí sinh Hà Nội đã đạt được thành tích xuất sắc; đoàn Hà Nội liên tục đoạt giải nhất toàn đoàn cấp quốc gia. Điều đó góp phần khẳng định được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô.

Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung, thành phố còn tập trung xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Đã có hai trường cao đẳng được phê duyệt để đầu tư là trường chất lượng cao hướng tới trường đạt chuẩn khu vực, quốc tế vào năm 2020, trình bổ sung thêm hai trường với tiêu chí đạt tiêu chuẩn dạy nghề quốc tế của Nhật Bản, Đức, Ô-xtrây-li-a và Hàn Quốc.

Đất nước và Thủ đô đang bước vào thời kỳ của kinh tế tri thức. Việc đầu tư bài bản vào công tác giáo dục, đào tạo giúp thành phố tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như đất nước trong những năm tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42925102-buoc-tien-trong-cai-thien-cuoc-song-nguoi-dan.html