Bước tiến trong xây dựng chính quyền điện tử

Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 352/NQ-HĐND ngày 6-12-2020 về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở (Open Data Platform) tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách, giao cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023. Dự án được triển khai là một bước tiến của Thanh Hóa trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử.

Công chức thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Mục tiêu của dự án này nhằm hình thành cổng tích hợp dữ liệu mở thống nhất của tỉnh, đáp ứng nhu cầu chia sẻ, truy cập dữ liệu cho các cơ quan, đơn vị và nhu cầu tìm kiếm, tra cứu, sử dụng dữ liệu của người dân. Dự án sẽ xây dựng phần mềm hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu mở của tỉnh, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng các dịch vụ dữ liệu.

Các nghiên cứu từ trước đến nay đều cho biết: Dữ liệu mở bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia như thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ... và các cơ sở dữ liệu địa phương như thông tin về an ninh trật tự, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, cơ sở giáo dục..., được xem là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nó có thể giúp chính quyền các cấp và doanh nghiệp trên khắp thế giới tìm kiếm các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời việc xây dựng dữ liệu mở chính là một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hiện nay dữ liệu mở vẫn được cung cấp cho người dùng dưới nhiều dạng khác nhau như các công báo, các báo cáo tài chính, các báo cáo thống kê,... của các đơn vị cũng như các cá nhân. Tuy nhiên, các dữ liệu này không có định dạng chung và không đồng nhất giữa các đơn vị dẫn đến những khó khăn trong việc tổng hợp các thông tin, dữ liệu khi có yêu cầu. Thời gian qua, Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối, liên thông của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc gia (NGSP) phục vụ việc gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Do vậy, nền tảng dữ liệu mở khi tích hợp với LGSP sẽ là nguồn cung cấp dữ liệu chuẩn cho các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) khác khi có yêu cầu.

Việc xây dựng nền tảng dữ liệu mở trên địa bàn tỉnh nhằm hiện thực hóa các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng một nền tảng dữ liệu mở là việc làm quan trọng trong giai đoạn Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực để phát triển các hạ tầng CNTT nhằm xây dựng chính quyền điện tử và các dịch vụ thành phố thông minh.

Dự án Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa được triển khai sẽ tạo nên bước đột phá ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tác nghiệp. Kết quả của dự án sẽ tạo được một nền tảng dữ liệu mở có thể cung cấp được các nguồn dữ liệu khác nhau, có tính thống nhất, liên thông liên kết giữa các ngành nghề, giảm được chi phí trong việc lưu trữ, tìm kiếm dữ liệu, nâng cao chất lượng trong việc hoạch định chiến lược phát triển, tạo điều kiện phát triển các ứng dụng CNTT khác dựa trên nền tảng dữ liệu sẵn có. Hiệu quả của dự án sẽ tác động lớn đến sự phát triển của xã hội trong tương lai; đồng thời, dự án sẽ nâng cao uy tín và chỉ số ứng dụng CNTT cho tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết số 352/NQ–HĐND ngày 6-12-2020 về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tăng cường cơ sở vật chất CNTT cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự án giao cho Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, thời gian triển khai trong 3 năm (2021 - 2023). Theo đó, đầu tư mua sắm trang thiết bị máy tính, máy in, bộ chuyển mạch cho 115 cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh; 88 cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp huyện và 505 đơn vị cấp xã. Mục tiêu của dự án nhằm mua sắm, nâng cấp hệ thống trang thiết bị hạ tầng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu làm việc của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 15-5-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đổi mới quy trình làm việc từ môi trường giấy sang môi trường điện tử.

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển một nền tảng dữ liệu mở thống nhất cho tỉnh là một việc làm cần thiết để đáp ứng được các yêu cầu về việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh theo kế hoạch của UBND tỉnh hiện nay.

Bài và ảnh: Đức Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/buoc-tien-trong-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu/130923.htm