Bước tiến từ việc rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng

Ngày 27-11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đặt ra với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Lợi ích cho các chủ đầu tư

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Góp ý xây dựng Dự thảo Luật, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự cần thiết với việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), “Rất mừng là Ban soạn thảo Dự án Luật đã nhìn thấy mâu thuẫn là chúng ta vừa thẩm định thiết kế sau đó lại chuyển một cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép xây dựng. Đây là việc làm chồng chéo, không cần thiết, gây phiền hà cho đối tượng là chủ đầu tư xây dựng. Cùng là cơ quan Nhà nước khi thẩm định thiết kế thẩm định cả những yếu tố PCCC, những yếu tố liên quan đến môi trường. Cần quy về một đầu mối để chủ đầu tư không phải mất thời gian”.

Đại biểu cho rằng “Dự thảo cần làm rõ những dự án nào sẽ phải gộp thẩm định thiết kế, cấp phép toàn bộ chứ không tách ra như hiện nay. Làm rõ trình tự thủ tục trong thẩm định gồm cả thẩm định xây dựng, thẩm định PCCC, môi trường vào một đầu mối thống nhất chứ không phải để chủ đầu tư phải chạy vòng vèo. Đặc biệt chỉ rõ loại công trình nào là công trình không thuộc đối tượng phải thẩm định, không phải cấp phép để giảm thủ tục đi”.

“Nếu chúng ta làm rõ được những vấn đề trên thì sẽ có bản so sánh để thấy được là sau khi có Dự thảo thì cắt giảm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thủ tục và như vậy thì mang lại được lợi ích bao nhiêu cho nhà đầu tư khi xin cấp phép xây dựng”.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) cũng cho rằng: “Ban soạn thảo Dự án Luật cần nghiên cứu xem xét quy định việc cấp giấy phép xây dựng theo hướng đơn giản hơn để thuận lợi cho người dân và DN. Quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật vì theo pháp luật xây dựng hiện nay, quy định này đang tách thành 3 quy trình: quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, quy trình cấp giấy khép xây dựng là chưa phù hợp”.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất “sửa đổi khoản 5 Điều 78, khoản 3 Điều 82, khoản 4 Điều 91 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến hai tỉnh, công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.

Trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng có đề nghị thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình xây dựng nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế công trình xây dựng cấp 1 hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp”. Về lâu dài, theo đại biểu cần xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm để nâng cao vai trò và hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, qua trao đổi với Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì Hiệp hội có phản ánh thời gian chờ đợi làm thủ tục đến khi công trình được triển khai xây dựng quá dài. Đơn cử như: Để làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phòng mặt bằng mất ít nhất 3 năm…Để làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư (thủ tục chuẩn bị đầu tư bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quyết định thu hồi đất, giao đất dự án chủ đầu tư)… mất 2 năm”. Do đó bài toán đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này cần làm sao rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng.

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): “Đưa luật vào cuộc sống là quan trọng nhưng đưa cuộc sống vào luật càng khó”. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): “Đưa luật vào cuộc sống là quan trọng nhưng đưa cuộc sống vào luật càng khó”. Ảnh Quochoi.vn

Chỉ rõ trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng

Cùng với kiến nghị đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề xuất quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định có một “thực tế đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra của Dự thảo luật chưa đề cập đến là những tồn tại của các công trình xây dựng sai phạm”. Theo đại biểu, Dự án HH Linh Đàm cùng nhiều dự án nhà ở thương mại mọc trên nền một số cơ quan tổ chức sau khi di dời cùng hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ được chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC là những ví dụ điển hình”.

“Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hiện hành là đảm bảo sự chặt chẽ về thiết kế. Cơ sở để giải thích chi việc tăng thêm 16.000 tỷ đồng cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và tuyến đường sắt lào Cai - Hải Phòng đặt trong tương quan sự bành trướng của cái gọi là “một vành đai 1 con đường”. Liệu nó có vi phạm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh quốc phòng hay không? Những nguyên tắc liên quan đến việc lập, thẩm định phê duyệt cấp phép thanh tra kiểm tra, các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào dẫn đến sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt với hành nghìn sai phạm như báo cáo đã nêu. Hay mới đây nhất vụ xe container kéo sập cầu ở TP HCM mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế. Như vậy khi thẩm định dự án cán bộ công chức đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi không có hồ sơ”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề.

“Rõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của Luật lại không biết gắn cho ai khi sai phạm xảy ra. Sửa đổi bổ sung Luật là cần thiết nhưng cần thiết hơn là sửa đổi bổ sung chính đạo đức công vụ của người tổ chức thực hiện”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Cùng quan tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường Hà Nội cho biết, “quy định về xây dựng hiện nay rất chặt nhưng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan và phổ biến nhưng chúng ta không xử lý được, thậm chí nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai”. Nguyên nhân của thực trạng này theo đại biểu là do “kẽ hở trong việc quy trách nhiệm xem quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm của UBND địa phương hay là thanh tra xây dựng. Quy định về nội dung này hiện nay có vẻ lập lờ, chồng lấn”.

“Dự thảo cần làm rõ trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch phải là trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng chỉ trong quá trình xây dựng nếu phát hiện ra sai phạm thì cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra và làm sáng tỏ đưa ra hình thức xử lý.

Sau khi xây dựng xong rồi sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra lại nếu phát hiện sai phạm mà chính quyền địa phương không phát hiện ra thì đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng thời cần quy định rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan, cán bộ quản lý Nhà nước liên quan”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/buoc-tien-tu-viec-rut-ngan-thu-tuc-cap-phep-xay-dung-171604.html