Bước tiếp theo của Mỹ ở Venezuela

Một biện pháp giảm nhẹ tạm thời các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela có thể khởi động lại ngành công nghiệp dầu mỏ ở quốc gia Nam Mỹ này, nơi sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 thập kỷ.

Các lệnh trừng phạt do chính quyền của ông Trump trước đây áp đặt đã làm tê liệt hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Venezuela. Nhưng ngành công nghiệp của quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới - thậm chí còn lớn hơn cả Ả Rập Xê-út - đã suy thoái trong nhiều năm do quản lý yếu kém, tham nhũng và thiếu đầu tư vào hoạt động khai thác và bảo trì nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí nhà nước PDVSA.

Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Venezuela đạt mức thấp nhất trong 50 năm với khoảng 700.000 thùng/ngày.

Lần mở cửa đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden với Venezuela xảy ra vào cuối năm ngoái khi chính quyền này nới lỏng các lệnh trừng phạt, cho phép Chevron tiếp tục công việc của mình ở Venezuela và xuất khẩu dầu thô khi việc tiếp cận dầu thô nặng của Nga bị cấm do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Vào tháng 11/2022, Chính phủ Mỹ đã cấp cho Chevron giấy phép hoạt động tại Venezuela dưới hình thức liên doanh với PDVSA. Lợi nhuận từ việc bán dầu thô có nguồn gốc từ Venezuela của Chevron sẽ dùng để trả khoản nợ của PDVSA cho Chevron và không làm tăng lợi nhuận của PDVSA do nhà nước điều hành.

Dầu thô nặng của Venezuela được các nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh của Mỹ đánh giá cao, những người mà cho đến gần đây vẫn tìm đến loại dầu nặng của Nga để thay thế. Tháng 12 năm ngoái, có thông tin cho rằng một số nhà máy lọc dầu đang cố gắng có được nguồn dầu thô quý hiếm của Venezuela.

Các nhà phân tích cho biết, nếu chính quyền Biden nới lỏng hơn nữa các lệnh trừng phạt và cho phép các công ty dầu mỏ phương Tây khác hoạt động ở Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này có thể tăng sản lượng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày và đạt sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần phải đáp ứng một số điều kiện. Đầu tiên, ông Nicolas Maduro phải đồng ý tổ chức bầu cử tổng thống tự do. Tiếp theo, các công ty dầu mỏ phương Tây phải chắc chắn rằng việc nới lỏng tạm thời các biện pháp trừng phạt sẽ mở ra đủ cơ hội đầu tư để họ khôi phục khai thác tại các mỏ dầu của Venezuela, nhiều mỏ trong số đó đã không hoạt động và bị bỏ quên do thiếu nguồn lực để vận hành và các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Venezuela.

Các quan chức chính phủ liên bang ở Washington được cho là đang soạn thảo một dự thảo đề xuất giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela nếu nước này tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống "tự do và công bằng". Reuters trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, mục tiêu của Mỹ tập trung vào việc cho phép nhiều công ty hơn mua dầu thô của Venezuela.

Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: "Nếu Venezuela thực hiện các hành động cụ thể nhằm khôi phục nền dân chủ, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng, chúng tôi sẵn sàng đưa ra các biện pháp tương ứng".

Nếu Maduro thể hiện sự sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do - điều mà ông không muốn làm trong nhiều năm - Venezuela có thể tăng sản lượng dầu của mình. Các công ty bao gồm Eni và Repsol, vẫn còn nợ PDVSA, cũng có thể nhận được cứu trợ để bán dầu thô của Venezuela.

"Venezuela có thể bổ sung 200.000 thùng/ngày vào năm 2025 và đạt 1 triệu thùng/ngày nhờ đàm phán thành công và cấp giấy phép mới", Francisco Monaldi, chuyên gia về chính sách năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice, nói.

Chevron, công ty phương Tây duy nhất hiện được phép kinh doanh với Venezuela, đã tăng gấp đôi sản lượng tại nước này lên 135.000 thùng/ngày tính đến tháng 5 năm nay so với tháng 10/2022, ngay trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/buoc-tiep-theo-cua-my-o-venezuela-692788.html