Bước vào đền cổ Ấn Độ, sửng sốt thấy ngọn lửa bất tử 100 năm

Ngôi đền cổ Jwala Ji ở Himachal Pradesh, Ấn Độ được giới chuyên gia, cũng như công chúng biết đến nhiều bởi có một ngọn lửa cháy hơn 100 năm chưa tắt. Theo đó, nó còn được gọi là ngọn lửa vĩnh cửu.

Nằm ở giữa thung lũng Kangra, bang Himachal Pradesh, Jwala Ji là ngôi đền cổ linh thiêng của Ấn Độ. Hàng năm, nhiều người dân đến ngôi đền này để cầu xin nữ thần Sati ban phước, che chở.

Không những vậy, ngôi đền Jwala Ji còn hấp dẫn giới chuyên gia và công chúng bởi nơi đây tồn tại một ngọn lửa cháy hơn 100 năm chưa tắt.

Ngọn lửa vĩnh cửu nằm ở trung tâm ngôi đền linh thiêng Jwala Ji. Nó rực cháy suốt nhiều thập kỷ. Bên dưới ngọn lửa là một hòn đá rỗng khiến mọi người tò mò vì sao nó có thể cháy mãi hơn 100 năm qua.

Một truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian kể về ngọn lửa vĩnh cửu này có liên quan đến vợ của thần Shiva là nữ thần Sati. Theo giai thoại, nữ thần Sati đã tự thiêu trong đau khổ vì cha nàng không tôn trọng thần Shiva.

Thần Shiva vô cùng đau buồn trước cái chết của vợ. Thi hài nữ thần Sati vỡ ra thành 51 phần và rơi xuống khắp trần gian.

Mỗi phần thi thể của nữ thần Sati rơi xuống đâu thì nơi đó trở thành một địa điểm thiêng liêng đối với người theo đạo Hindu.

Trong số này, ngọn lửa vĩnh cửu tại đền Jwala Ji chính là nơi lưỡi của nữ thần Sati rơi xuống. Kể từ đó, ngọn lửa rực cháy hơn 100 năm mà chưa có dấu hiệu sẽ tắt.

Trước sự việc bí ẩn này, một số chuyên gia, nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu nhằm tìm ra lời giải. Họ cho rằng, ngọn lửa ở ngôi đền Jwala Ji cháy mãi suốt nhiều năm qua là nhờ nằm trên mỏ khí gas tự nhiên.

Nhờ được cung cấp nguồn khí gas tự nhiên liên tục nên ngọn lửa tại ngôi đền Jwala Ji rực cháy suốt ngày đêm.

Giả thuyết này nghe khá hợp lý nhưng các nhà nghiên cứu cần thêm thời gian để tìm kiếm bằng chứng khoa học nhằm chứng minh đó thực sự là lời giải về ngọn lửa vĩnh cửu ở ngôi đền Jwala Ji.

Mời độc giả xem video: Mãn nhãn màn “rước kiệu bay” tại ngôi đền nổi tiếng nhất xứ Nghệ.

Tâm Anh (theo Ancient origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/buoc-vao-den-co-an-do-sung-sot-thay-ngon-lua-bat-tu-100-nam-1906728.html