Buôn bán người: Cuộc chiến còn lắm gian nan

Việt Nam là một trong những nước nằm trong khu vực điểm nóng về tình trạng mua bán người, có số nạn nhân bị mua bán cao nhất thế giới, chiếm khoảng 70% số vụ mua bán người. Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân triệt phá nhiều đường dây mua bán người nhưng tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp.

Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, thay vì trực tiếp thì hiện nay đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.

Nhiều nạn nhân bị bóc lột tình dục, lao động, thậm chí đưa đi xuất cảnh trái phép để bán nội tạng. Các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vụ chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh ở khu vực giáp biên.

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán diễn ra hết sức phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lợi dụng địa bàn miền núi phía Bắc hiểm trở, dân cư thưa thớt, những đối tượng trong nước câu kết với đối tượng người Trung Quốc nhằm lúc đêm tối, địa bàn vắng vẻ, đột nhập vào nhà dân, dùng hung khí khống chế, tấn công người lớn để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em bán qua biên giới, hoặc tổ chức bắt cóc phụ nữ khi đi làm trên nương rẫy, trên đường đi chợ về bán qua biên giới.

Tại các tỉnh phía Nam, tình hình môi giới hôn nhân bất hợp pháp xảy ra phổ biến.Tội phạm mua bán người trong nước câu kết với các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… để tổ chức xem mặt, chọn vợ, kết hôn giả; lợi dụng khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, đưa ra nước ngoài bán làm vợ bất hợp pháp, hoặc bán cho nhà hàng ép làm gái mại dâm.

Đặc biệt, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ diễn biến phức tạp và gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 cả nước đã phát hiện 109 vụ với 126 đối tượng mua bán và 236 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2017 đã giảm cả về số vụ và số nhạn nhân tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Nổi lên là các vụ mua bán người ra nước ngoài để ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, cưỡng bức lao động.. chiếm 80 % tổng số vụ. Điển hình, tại Đồng Tháp lực lượng công an đã bắt truy nã đối tượng Đặng Thị Nhỡ trú tại Kiên Giang về hành vi mua bán người lừa 7 phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bán sang Malaysia ép bán dâm.

Cũng theo thống kê của Bộ Công an, thời gian gần đây các đối tượng phạm tội có xu hướng dịch chuyển mục tiêu tìm kiếm nạn nhân từ những phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây bắc, đông bắc sang những phụ nữ khu vực phía nam nhất là một số tỉnh Tây Nam Bộ. Điển hình ngày 26/4 Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang đối tượng Lâm Thị Thảo khi đối tượng đang làm thủ tục xuất cảnh 3 phụ nữ sang Malaysia. Trong thời gian 1 năm đối tượng đã cấu kết với một số đối tượng trong và ngoài nước lừa bán 16 phụ nữ thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bạc Liêu bán sang Malaysia ép hoạt động mại dâm.

Bọn tội phạm buôn người lóa mắt vì những lợi nhuận bất chính nên không từ bất kỳ thủ đoạn nào, rắp tâm khống chế, bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán qua biên giới, vì tiền chúng sẵn sàng lừa bán cả người thân. Chưa kể, xuất hiện tình trạng mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, bào thai; đẻ thuê, xuất cảnh chui lao động thời vụ... Các nạn nhân thường bị bán sang Trung Quốc (chiếm 70%), Campuchia (khoảng 10%), còn lại là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nga và một số nước Đông Âu..., bị đẩy vào các ổ mại dâm, đường dây du lịch tình dục, bóc lột tình dục và sức lao động. Các đường dây mua bán người hoạt động khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nước với người nước ngoài.

Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để chủ động đấu tranh chống tội phạm mua bán người, lực lượng công an và bộ đội biên phòng đã tích cực điều tra, nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, đường mòn, đường tiểu ngạch, rà soát lên danh sách các đối tượng nghi vấn, thiết lập đường dây nóng, tổ chức giao ban với các nước để trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân; lập chuyên án đấu tranh triệt để, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người…

Tuy nhiên, hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. Khởi tố điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm ẩn này gặp nhiều vướng mắc, khi nạn nhân chưa được giải cứu, thủ phạm ở nước ngoài; tội phạm mua bán người gây án ở khu vực hẻo lánh nên khó phát hiện,... Bên cạnh đó, do lực lượng trực tiếp đấu tranh mỏng, nên kết quả vẫn chưa cao, nhiều hành vi có dấu hiệu mua bán người được đề cập trong Bộ luật hình sự nhưng chậm có văn bản hướng dẫn, nên xử lý khó khăn; hợp tác quốc tế vẫn còn bị cản trở bởi các rào cản về thủ tục tư pháp…

Thời gian tới, tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô hoạt động và mức độ nguy hiểm do đó cần tập trung lực lượng điều tra, khám phá bóc gỡ các đường dây mua bán người hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; lựa chọn các vụ án điểm để xét xử lưu động, nhằm nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nắm rõ phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người; tạo điều kiện để nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng, tăng cường quản lý chặt chẽ hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hoạt động dịch vụ nhà hàng, khách sạn, môi giới hôn nhân, các cơ sở sản xuất nghi vấn sử dụng lao động trẻ em…

Minh Anh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/buon-ban-nguoi-cuoc-chien-con-lam-gian-nan-n10496.html