Buôn lậu vẫn nóng

* 7 dấu hiệu vi phạm của chuỗi siêu thị 'Con cưng'

Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo 389 tổ chức họp báo chuyên đề “Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm”. Theo khẳng định từ Ban Chỉ đạo, diễn biến buôn lậu, hàng giả hàng nhái có nhiều phức tạp.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa buôn lậu.

Buôn lậu xăng dầu gia tăng

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 7,5 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ với 889 đối tượng.

Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tại các cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, trên các tuyến đường biển và cả trong thị trường nội địa.

Trên tuyến đường biển, ông Trần Văn Nam- Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, buôn lậu xăng dầu trên biển đang có dấu hiệu tăng cả về quy mô và số lượng hàng hóa. Cụ thể chỉ trong 6 tháng đầu năm Cảnh sát biển thực hiện tuần tra phát hiện 179 tàu vi phạm, tổng số tiền thu từ vi phạm hành chính lên tới 727.600 nghìn đồng.

Trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đã bắt 37 tàu, 138 đối tượng, xử phạt vi phạt hành chính trên 2 tỷ đồng, tịch thu 6,7 triệu lít dầu DO, 25 nghìn lít dầu FO, hơn 819 nghìn lít xăng A92.

Ông Nam cho rằng, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển 6 tháng đầu năm gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi, số lượng tàu hoạt động tăng lên, nhất là tàu cá ngư dân, nên nhu cầu sử dụng xăng dầu lớn. Trong khi đó giá xăng, dầu trong nước có sự chênh lệch so với trên đất liền từ 6.000 đồng/lít – 10.000 đồng/lít. Việc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là xăng dầu trên biển chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân về số lượng và giá cả. Vì vậy, tại các chủ tàu kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên biển đã mua xăng dầu lậu để kinh doanh.

Tại vùng biển Tây Nam, một số chủ tàu người Việt khi bán hết dầu không quay lại đất liền mua dầu hợp pháp mà ra các vùng biển giáp ranh, móc nối với đầu nậu người nước ngoài để mua dầu lậu vì chi phi thấp, lợi nhuận cao.

Trong khi đó, các chủ tàu hoạt động tại miền Bắc và miền Trung đã lợi dụng chế độ pháp lý trên vùng đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước Luật Biển 1982, để thực hiện hành vi buôn lậu và gian lận thương mại với mặt hàng xăng dầu.

Vẫn theo ông Nam, đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển sử dụng vận đơn quốc tế xoay vòng khi bị kiểm tra, bắt giữ. Hoặc sử dụng các tàu không số hiệu và số hiệu giả để mua bán nhằm gây khó khăn cho quá trình điều tra, suy xét cho nên rất khó xác định các hành vi vi phạm”.

Nhưng đáng nguy hiểm hơn, tình hình buôn lậu có sự tham gia của người nước ngoài, trong 107 đối tượng được bắt giữ trong 6 tháng đầu năm có 20 tượng là người nước ngoài, xử phạt 1.372.200 nghìn đồng, tịch thu gần 7,5 triệu lít dầu các loại. Sung công quỹ nhà nước hơn 90 tỷ đồng.

Để phát hiện dấu hiệu vi phạm và bắt quả tang việc sang mạn trái phép không hề dễ dàng khi hoạt động này thường diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cách xa bờ biển Việt Nam.

Chưa kể, khi bắt giữ các tàu này thường sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó chất lượng xăng dầu ở nước ngoài cũng tương đương với chất lượng xăng dầu của Việt Nam nên việc phân biệt xăng dầu trong nước hay nước ngoài là rất khó khăn.

Cảnh sát biển bắt giữ hàng buôn lậu.

7 dấu hiệu vi phạm của Con cưng

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến chuỗi bán hàng “Con cưng” cũng đã được đặt ra. Lỗi vi phạm của “Con cưng” là gì? Công ty Con cưng tuyên bố treo giải 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện doanh nghiệp nhập hàng không chính hãng liệu có phải là một lời thách đấu với cơ quan chức năng?

Ông Nguyễn Trọng Tín- Cục phó Cục Quản lý thị trường cho biết, đơn vị đã chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm bước đầu của “Con Cưng” và “không thể khẳng định họ không vi phạm”.

Theo ông Tín, kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu, Tổ công tác 334 của Cục và Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh ghi nhận Chuỗi siêu thị “Con cưng” có tới 7 dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, công ty này kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định; Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in Viet Nam” nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ hàng hóa không phải bằng tiếng Việt, không rõ địa chỉ nơi sản xuất, có dấu hiệu về gian lận nguồn gốc xuất xứ; doanh nghiệp này còn kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm, có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm kem massage bụng TITIONE; Con cưng còn kinh doanh hàng hóa là túi nilon đựng ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa, không có nội dung thể hiện hợp chuẩn bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp, có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, có thể gây nguy cơ sức khỏe của trẻ sơ sinh; Con cưng kinh doanh mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành, có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành theo quy định.

“Con cưng” còn kinh doanh nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc sử dụng mã số mã vạch 893 (Vietnam) trên các sản phẩm nhập khẩu, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ.

Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được giấy tờ liên quan theo quy định, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khuyến mại.

Chi cục QLTT TPHCM đã tiến hành tạm giữ tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục thẩm tra, xác minh, làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/antt/buon-lau-van-nong-tintuc411494