Buồn vì về hưu non, rước phải ung thư phổi

Về hưu từ năm 53 tuổi, công việc buồn chán khiến ông H. tìm đến thuốc lá làm bạn và đúng 20 năm sau ông phát hiện ung thư phổi di căn xương.

Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân H.

20 năm hút thuốc

Ông Nguyễn Văn H. 76 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội tâm sự ông mới bị ung thư phổi. Bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV, di căn xương, hạch thượng đòn…

Ông H. cho biết hơn 1 tháng nay, có biểu hiện: Ho khan liên tục nhiều ngày kèm theo tức ngực, khó thở nhẹ, không sốt, đau xương nhiều vị trí ( cột sống, bả vai…). Ăn kém, gày sút cân (4 kg/ 1 tháng).

Ông H trước đây làm nhân viên đường sắt. Khi về hưu sớm lúc ấy ông mới 53 tuổi. Đang đi làm phải về hưu ông H buồn bã và bắt đầu tìm đến thuốc lá làm bạn. Ông đi làm bảo vệ thêm nhưng công việc nhàn chán nên cứ điếu này ra, điếu kia vào thành ra nghiện thuốc lá khi nào cũng không hay. Đến nay, ông đã có thâm niên hút thuốc lá nhiều năm trên 20 năm liên tục.

Trong khi đó, ông lại bị cao huyết áp trên 5 năm điều trị thường xuyên. Nhiều lần muốn cai thuốc lá lắm nhưng thấy nhạt mồm, nhạt miệng ông lại không bỏ được nó. Mỗi ngày ông hút 5 – 10 điếu.

Khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ ghin nhận bệnh án thể trạng gày, da niêm mạc bình thường. Có hạch thượng đòn phải, kích thước 1,5 cm chắc. Phổi thông khí tôt, khó thở nhẹ , nhịp tim đều.

Các xét nghiệm sinh thiết hạch bác sĩ chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến của phổi là dạng ung thư phổi không tế bào nhỏ. Xét nghiệm đột biến gen (EGFR): Đột biến tại exon 21 và 19.

Ông H đang được bác sĩ điều trị hóa chất, thuốc chống hủy xương và thuốc cao huyết áp nhưng thể trạng kém nên việc điều trị không được tốt lắm.

Đến giờ, ông H. rất ân hận vì già mới hút thuốc và gây bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình.

Bệnh nhân phát hiện muộn

Theo GS. Mai Trọng Khoa – Bệnh viên Bạch Mai ung thư phổi: 40% bệnh nhân khi đến khám bệnh ở giai đoạn IV (gia đoạn muộn). Số bệnh nhân chết tương đương với ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tụy, ung thư vú và ung thư đại tràng cộng lại. Tỷ lệ sống sau 5 năm: 15,7 % cho tất cả các giai đoạn; 3.7% cho bệnh nhân giai đoạn di căn xa.

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển là bệnh đã di căn được xếp giai đoạn IV. Khi điều trị chúng ta cần xem xét các yếu tố sau: Toàn trạng, tuổi, chức năng các cơ quan, tình trạng dinh dưỡng, mô bệnh học, các biến đổi về phân tử, tình trạng u, mức độ di căn hach và di căn xa (T,N,M).

Trường hợp của ông H bác sĩ lấy đủ khối lượng mô để chẩn đoán phân loại mô bệnh học và tình trạng đột biến phân tử. Thông tin về đột biến EGFR (yếu tố phát triển biểu bì) là rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định điều trị. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc điều trị đích, sử dụng phân tử nhỏ (Erlotinib, Gefitinib) cho ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến triển có đột biến EGFR là cần thiết.

Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ khi không đột biến EFGR thì phải căn cứ vào chẩn đoán mô bệnh học: Thể tế bào vảy (squamous), không tế bào vảy (nonsquamous) hay thể hỗn hợp (mixed). Phác đồ hóa chất chuẩn đối với Nonsquamous NSCLC không đột biến EGFR: Nên sử dụng Pemetrexed hoặc taxane trong phác đồ bộ đôi cơ bản. Bevacizumab (ức chế tăng sinh mạch) cũng nên được cân nhắc lựa chọn sử dụng cho bệnh nhân. Đối với thể Squamous NSCLC không đột biến EGFR nên sử dụng Taxane hoặc gemcitabine trong phác đồ bộ đôi cơ bản.

GS Khoa nhấn mạnh việc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển ở người cao tuổi cần căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết định điều trị: Thể trạng, bệnh kết hợp, tình trạng bệnh…Xác định bệnh nhân “cao tuổi” còn là một mốc thay đổi tùy thuộc vào: Mỗi quốc gia, tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế xã hội…Khi điều trị cần xác định mục tiêu chính trong điều trị cho bệnh nhân là sự an toàn, những lựa chọn điều trị cho bệnh nhân cao tuổi phải thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý đi kèm.

Các bác sĩ cho biết để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn khởi phát, đối tượng là nam giới ở tuổi 40 trở lên, có nghiện thuốc lá, ho khan hoặc có đờm kéo dài, đặc biệt nếu có các dấu hiệu: sút cân, ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở, khó nói, khó nuốt cần đi khám và làm các xét nghiệm.

Ngày nay y học phát triển, ngoài biện pháp chụp X quang thông thường, có thể chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sẽ thấy rõ khối u ở vị trí nào của phổi, kích thước bao nhiêu.

Các xét nghiệm như xét nghiệm tế bào mô bệnh học hoặc xét nghiệm tế bào học là các xét nghiệm có độ tin cậy cao giúp chẩn đoán và phân loại cá thể ung thư, góp phần quyết định phương pháp điều trị đối với từng bệnh nhân.

Các bác sĩ chuyên khoa về bệnh phổi khuyến cáo phòng bệnh ung thư phổi bằng cách hữu hiệu nhất là không nên hút thuốc lá để phổi không bị tổn thương bởi hơn 4.000 hóa chất độc hại có trong mỗi điếu thuốc.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/buon-vi-ve-huu-non-ruoc-phai-ung-thu-phoi-post272892.info