Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm chiến thắng Khe Sanh: Đô thị vàng, hoa và lấy điện từ trời

Hướng Hóa là một địa phương mà khi nêu tên, biết bao nhiêu người Việt từng đi qua chiến tranh phải… rùng mình vì sự khốc liệt cho một thời lửa đạn và sự khắc khoải về những nỗi đau mất mát… thời bình.

Lao Bảo, đô thị vàng miền tây Quảng Trị nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Lộc.

Đã hơn 43 năm sau chiến tranh, nhưng cứ vài ngày đọc báo lại thấy lực lượng chức năng quy tập, cất bốc những bộ hài cốt liệt sĩ cùng những di vật ở rải rác núi đồi; lại nghe người dân kháo nhau nghe câu chuyện rùng mình rằng lực lượng công binh vừa phát hiện những hầm bom đạn sót lại ngày hậu chiến…

Nhưng Hướng Hóa bây giờ không chỉ có vậy!

Người ta nói, Lao Bảo là thành phố mọc trên nền nhà đày. Nhưng có một câu chuyện thú vị khác về cái tên Lao Bảo mà tôi nghe lỏm được khi người ta đọc lời giới thiệu về Quảng Trị trên tàu hỏa, rằng cái tên đó bắt nguồn từ việc vùng thung lũng này dạo trước cái gì cũng thiếu, trừ gió bão…

Lao Bảo, đô thị vàng miền tây Quảng Trị nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Lộc

Nhưng chuyện ngữ nghĩa đó cũng không mấy quan trọng bằng việc, rằng, qua 20 năm kể từ ngày được Chính phủ đồng ý thành lập Khu KT-TM, Lao Bảo đang được mệnh danh là “đô thị vàng” ở miền tây Quảng Trị. Từ buổi đầu chỉ có 12 doanh nghiệp với 400 hộ kinh doanh cá thể thì nay có 400 doanh nghiệp (trong đó có 5 doanh nghiệp FDI) và gần 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động, hàng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng từ 30 - 40 tỷ đồng.

Những vườn hoa ly được ươm trồng ngay trên đèo Sa Mù vốn chỉ toàn sương mù và giá lạnh. Ảnh: Kăn Sương

Hiện, có tới gần 60 dự án đăng ký đầu tư ở Lao Bảo với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.670 tỷ đồng, trên diện tích đất thuê là 262ha, trong đó có 35 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư là 2.745 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp, chủ yếu là cư dân trên địa bàn.

Những vườn hoa ly được ươm trồng ngay trên đèo Sa Mù vốn chỉ toàn sương mù và giá lạnh. Ảnh: Kăn Sương

Nhiều người tự hỏi, Sa Mù, con đèo dài tới 19,8km nối 2 xã Hướng Phùng và Hướng Việt (Hướng Hóa), uốn lượn quanh co, từng thách thức bao tay lái và là nỗi ám ảnh của bao khách bộ hành, cũng có mùa xuân ư? Vậy mà mùa xuân có thật!

Thậm chí những năm gần đây, đất đai ở Sa Mù đang được đầu tư và dần định hình thành xứ sở của các loài hoa cho Quảng Trị. Cao 1.000m so với mực nước biển làm cái khí hậu ỡm ờ ở Sa Mù bỗng trở thành “hàng độc” để người ta... trồng hoa, thậm chí mang những loài hoa từ tận trời Âu xa xôi về ươm giống. Mà cái việc trồng hoa ở Sa Mù, cả Nhà nước và tư nhân đều “thò tay” vào…

Những loài hoa quý tộc như hoa ly, hoa tulip, lan hồ điệp… đã nở trên đèo Sa Mù, điều mà đến những người dân địa phương cũng thực sự ngỡ ngàng, họ lần đầu tiên nhìn thấy và từng không tin rằng những loài hoa đắt tiền ấy lại mọc được ở chốn này.

Những cột phong điện ở Hướng Linh (H.Hướng Hóa), đối với nhiều người là… kỳ quan của Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Đành rằng, ai cũng biết, câu chuyện “lấy điện từ trời” không quá mới mẻ, ghê gớm như loài người đặt chân lên… sao Hỏa. Nhưng thật khó tin câu chuyện đó lại diễn ra ở Quảng Trị, mà cụ thể là Hướng Hóa, một huyện vùng cao chút mút của tỉnh này. Bởi, hãy nhìn xem, cả miền Trung này có mấy địa phương làm điện gió?

Một chân cột điện gió đang được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Hướng Linh, địa danh thuộc huyện Hướng Hóa, nơi từng chỉ cần nhắc tên đã làm người ta… rùng mình bởi ở đó cái gì cũng thiếu, chỉ mỗi gió là thừa. Vậy mà giờ đây, khi vào Hướng Linh, đã thấy những cột điện gió lừng lững đứng đó, như những… kỳ quan của Quảng Trị.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thăm nhà máy điện gió Hướng Linh 2. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Người ta bảo những nếp nhà sàn, những chân váy thổ cẩm thật xa lạ với những cái cột khổng lồ lại “đeo” cánh quạt khổng lồ ấy. Nhưng tôi thấy chả sao cả, đó chẳng qua chỉ là sự giao thoa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Lâu dần sẽ quen... Rồi những người dân sống dưới chân những cột phong điện sẽ cảm thấy tự hào bởi rõ ràng… sống hết cả đời người, không phải ai cũng được nhìn thấy điện gió!

Hiện, mới chỉ có Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (tổng đầu tư 1.400 tỉ đồng, gồm 15 tua bin, với tổng công suất lắp đặt là 30 MW; sản lượng điện trung bình là 122,34 triệu kWh/năm) do Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư đã hòa lưới điện Quốc gia vào tháng 5.2017.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đứng giữa vườn mắc ca cùng trao đổi với doanh nhân Việt kiều Úc Huỳnh Văn Trí (bìa trái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH My Anh, đang có dự án trồng mắc ca trị giá 37 triệu USD tại Hướng Hóa). Ảnh: Nguyễn Phúc.

Sau gần 1 năm vận hành trơn tru, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu phấn khởi khoe rằng, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy cung ứng lên lưới điện quốc gia là 480.000 kWh/ngày đêm, đạt doanh thu trước thuế gần 1 tỷ đồng/ngày.

Sắn, loài cây mang no ấm cho người dân vùng Lìa (H.Hướng Hóa). Ảnh: Nguyễn Phúc.

Sau Nhà máy Hướng Linh 2, Tân Hoàn Cầu cũng đang hoàn thiện nốt Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 trong khi một doanh nghiệp khác cũng đã bắt tay những bước đầu với Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1, Hướng Phùng 2… Để mai này, người thiếu lạc quan nhất vẫn có sơ sở để tin rằng Hướng Hóa sẽ là “kinh đô” điện gió miền Trung.

NGUYỄN PHÚC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/but-ky-phong-su-du-thi-ve-50-nam-chien-thang-khe-sanh-do-thi-vang-hoa-va-lay-dien-tu-troi-606382.ldo