'Bứt phá' nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu

Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, cùng với ghi nhận việc tỉnh Bình Dương tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng, an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm với nhiều con số ấn tượng, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ hơn những tồn tại, hạn chế; đồng thời, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để có thể 'bứt phá' nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo nhận định của 2 Ban HĐND tỉnh qua thẩm tra: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng, an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm. 13/34 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ 2 năm 2020, 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,35% (cùng kỳ tăng 8,23%)…

Đáng chú ý, Bình Dương có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm thường xuyên nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đầu tư công. Qua đó, kết quả đầu tư công trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 2.190 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 24,9% kế hoạch Trung ương giao, tỷ lệ giải ngân đạt cao hơn so với cùng kỳ và đứng thứ 2 so với các địa phương lân cận trong vùng Đông Nam Bộ.

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị được quan tâm đẩy mạnh; tập trung thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 bảo đảm tiến độ; thông qua các phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung các thị xã, thành phố, quy hoạch vùng cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; các công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh được tập trung triển khai thực hiện. Tỉnh đã tăng cường các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý khai thác khoáng sản.

Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ và rõ nét, nhất là trong công tác chuyển đổi số, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh của tỉnh (IOC) đã giúp tăng cường tính đồng bộ và toàn diện đối với các hoạt động giám sát, điều hành, quản lý chất lượng dịch vụ tổng thể, giúp hỗ trợ phục vụ đắc lực và hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị; đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, góp phần tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền song song với việc phục vụ xây dựng hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh tỉnh Bình Dương.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa X
Ảnh: Phương Lê

Khẩn trương triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội cũng nhất trí với UBND tỉnh về những khó khăn, hạn chế đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ hơn: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phục hồi và phát triển, tuy nhiên, khả năng xuất hiện biến chủng mới của Covid-19 nguy cơ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách bình thường mới và tiến trình phục hồi kinh tế. Để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND tỉnh, cần nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp trong những tháng còn lại của năm 2022.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, nhưng tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vẫn còn khá chậm. Với khối lượng giải ngân còn lại khá lớn trong những tháng cuối năm 2022 cần hết sức nỗ lực tập trung thực hiện. Tình hình ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cục bộ vẫn còn xảy ra, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mạng lưới y tế dự phòng dù đã được củng cố nhưng năng lực phục vụ cộng đồng còn nhiều bất cập…

Nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, để đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, Ban Kinh tế - Ngân và Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp UBND tỉnh nêu ra trong báo cáo; đồng thời, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, khẩn trương triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10.1.2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung khôi phục lại sản suất kinh doanh…

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/but-pha-nham-thuc-hien-thang-loi-cac-muc-tieu-i295370/