Bứt phá xuất khẩu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường, việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh bứt phá ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, giữa tháng 3, thương hiệu Chilica đã đưa cả ngàn sản phẩm sang châu Âu.

Giữa tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) với thương hiệu tương ớt lên men Chilica đã đưa sản phẩm sang châu Âu. Thời gian tới, Chilica sẽ tiếp tục đưa sản phẩm này xuất khẩu sang Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều quốc gia khác.

“Sau gần một năm đàm phán, trải qua nhiều công đoạn như gửi mẫu, điều chỉnh nắp, nhãn mác…, cuối cùng, chúng tôi đã đưa 1.500 chai tương ớt trị giá 34.000 USD sang thị trường châu Âu vào ngày 11/3. Vui hơn, sản phẩm tương ớt vẫn giữ được thương hiệu hàng Việt khi bày bán tại các cửa hàng ở châu Âu. Dịch bệnh đã làm công ty chững lại gần hai năm qua, lô hàng xuất khẩu lần này là bàn đạp để chúng tôi mở rộng sang thị trường khó tính này”, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ.

Mới đây, Công ty cổ phần Pacific Foods đã đưa lô hàng 16 tấn gồm nông sản, nước mắm, cà-phê hòa tan, đồ uống cao cấp... sang thị trường Mỹ. “Sau các đơn hàng hợp tác với đối tác ở Mỹ trước đó, thì đây là lần mà các sản phẩm nước mắm, gia vị, nông sản, đồ uống do Pacific Foods sản xuất có cơ hội cùng tiếp cận với số lượng lớn vào thị trường Mỹ với mục đích thăm dò, mở rộng địa bàn. Dự kiến lô hàng sẽ cập cảng Long Beach vào ngày 10/4 tới”, Chủ tịch Pacific Foods Lê Bá Linh cho biết.

Cũng theo ông Linh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, dự kiến trong tháng 4, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi. Hiện, nước mắm thương hiệu Bless Mami là sản phẩm đang giữ vị trí top 1 ngành hàng nước mắm trên sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon với hơn 18.000 sản phẩm bán ra mỗi tháng. Trước đó, vào tháng 6/2021, Pacific Foods đã xuất khẩu hai lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam tới Liên minh châu Âu (EU) để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA.

Với những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh xuất khẩu ở nhiều thị trường lớn mà trước đây không thể cạnh tranh về giá vì các quy định về thuế quan, hàng rào kỹ thuật... Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh, một trong những đơn vị hàng đầu ngành sản xuất bao bì nhựa tại thị trường trong nước và xuất khẩu cho biết: “Hiện, chúng tôi không gia công nữa mà xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhờ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định RCEP, công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có cả thị trường của nước trước đây là đối thủ cạnh tranh của công ty như Thái Lan”.

Phấn khởi báo tin vui khi đàm phán thành công và xuất khẩu mô hình xe cà-phê di động sang thị trường Mông Cổ, nhà sáng lập cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ, sau tám tháng khảo sát thị trường và đánh giá thị hiếu người tiêu dùng, đối tác tại Mông Cổ là Công ty Pho House đã mua bốn xe bán cà-phê di động, được độc quyền sử dụng sản phẩm cà-phê nông sản hòa tan thương hiệu Meet More tại thị trường Mông Cổ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được mô hình nhượng quyền này.

Đầu năm 2022, các doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu từ hai thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu dồi dào trở lại. Ở lĩnh vực dệt may, một số doanh nghiệp lớn như May 10, Dệt may Thành Công, Sợi Thế Kỷ, May Sài Gòn 3... cho biết đã ký đơn hàng đến quý II và quý III năm nay. Các doanh nghiệp cũng sẽ tăng tốc tiếp cận thị trường EU nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) mang lại.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng tốt cơ hội từ đại dịch, cơ hội từ các FTA đã ký và Nhà nước cũng đã hỗ trợ tốt cho nhiều doanh nghiệp trong ngành để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tính đến thời điểm này, 15 FTA được thực thi cho phép hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những ngày qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) liên tục kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố với các thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung xúc tiến các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực mà Việt Nam tham gia ký như CPTPP, EVFTA...

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, cùng sự nổi lên của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, tận dụng cơ hội từ các FTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Đây cũng là cơ hội để thành phố cơ cấu lại nền kinh tế theo xu hướng mới, hướng đến kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ mới tiêu chuẩn cao hơn, giúp hàng Việt có thêm ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao từ các thị trường khó tính.

Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam nhìn nhận, các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới, là những đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hay “bình thường mới”. Vấn đề là doanh nghiệp cần phải nắm vững và nắm rõ các điều kiện của mỗi FTA để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật, thuế quan trong mỗi hiệp định, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các FTA...

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/but-pha-xuat-khau-690525/