Bứt phá

Kết quả bầu cử sơ bộ ngày 'siêu thứ ba' tại Mỹ đã khắc họa rõ hơn đường đua vào Nhà trắng năm 2020. Cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn và Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ cạnh tranh vị trí dẫn đầu cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ. Còn Tổng thống Ð.Trăm gần như đã có được sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Cộng hòa cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà trắng.

Kết quả bầu cử sơ bộ ngày "siêu thứ ba" tại Mỹ đã khắc họa rõ hơn đường đua vào Nhà trắng năm 2020. Cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn và Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ cạnh tranh vị trí dẫn đầu cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ. Còn Tổng thống Ð.Trăm gần như đã có được sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Cộng hòa cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà trắng.

Ngày "siêu thứ ba" luôn giữ vị trí quan trọng trong mọi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Ngày 3-3, "siêu thứ ba" năm nay, có ý nghĩa "siêu đặc biệt" với các ứng cử của đảng Dân chủ, khi cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức đồng loạt tại 14 bang và vùng lãnh thổ Xa-moa, nơi tập trung số đại biểu chiếm hơn một phần ba tổng số đại cử tri sẽ dự đại hội toàn quốc đảng Dân chủ sắp tới và quyết định người nhận "tấm vé" đại diện đảng tranh cử tổng thống vào cuối năm.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn có cú tăng tốc ngoạn mục trong ngày "siêu thứ ba", khi chiến thắng tại 10 bang, trong đó có Tếch-dát, bang có số đại biểu đảng Dân chủ đứng thứ hai trong cả nước. Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ giành chiến thắng quan trọng tại bang Ca-li-pho-ni-a, nơi có số đại biểu đảng Dân chủ đông nhất cả nước. Ông Xan-đơ cũng dẫn đầu cuộc bỏ phiếu tại các bang Cô-lô-ra-đô, U-ta, Vơ-mon.

Ngày "siêu thứ ba" vừa là cơ hội bứt tốc của nhiều ứng viên, song lại đánh dấu điểm dừng của các ứng viên khác. Cựu Thị trưởng Niu Oóc, tỷ phú M.Blum-bớc, người chi hàng trăm triệu USD quảng cáo chiến dịch tranh cử, ngay lập tức rời cuộc đua bởi chỉ giành thắng lợi tại vùng lãnh thổ Xa-moa. Trong khi đó, nữ Thượng nghị sĩ Ê.Oa-ren còn chưa có bất kỳ chiến thắng tại bang nào. Cựu Thị trưởng thành phố Xao Ben, bang In-đi-a-na, ông P.Bắt-ti-giơ và Thượng nghị sĩ A.Clô-bu-cha thì đã quyết định dừng bước trước ngày "siêu thứ ba".

Như vậy, cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ để tìm ra người đại diện chính thức tranh cử vị trí lãnh đạo Nhà trắng giờ đây còn lại hai ứng cử viên sáng giá nhất là cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn và Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ. Trong khi cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi và cử tri trung lập, Thượng nghị sĩ B.Xan-đơ lại khai thác hiệu quả sự ủng hộ của những người theo quan điểm tự do và cử tri trẻ. Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên chính trường Mỹ, ông Bai-đơn còn nhận được thêm sự ủng hộ từ các ứng cử viên P.Bắt-ti-giơ, A.Clô-bu-cha và M.Blum-bớc, những người đã rời cuộc đua nhưng có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn. Thượng nghị sĩ Xan-đơ tự tin khi có lượng cử tri ủng hộ luôn ổn định, cũng như khả năng gây quỹ tranh cử đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, bên phía đảng Cộng hòa, ngày "siêu thứ ba" giúp Tổng thống Ð.Trăm tiếp tục khẳng định là đại diện xứng đáng, khi thắng áp đảo trong toàn bộ các cuộc bầu cử sơ bộ. Ứng cử viên Ð.Trăm đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong kỳ đua vào Nhà trắng lần này. Trong thông điệp liên bang cuối nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Ð.Trăm tuyên bố, trên cương vị là người đứng đầu đất nước trong bốn năm qua, ông cùng đội ngũ cộng sự của mình đã "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", khi giúp hồi sinh nền kinh tế, cắt giảm thuế ở mức kỷ lục, đưa tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp nhất trong nửa thế kỷ… Ðược tuyên bố "trắng án" trong cuộc luận tội do phe Dân chủ phát động, ông Trăm càng vững bước trong cuộc đua.

Ðể trở thành người đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, ứng cử viên cần giành ít nhất 1.991 phiếu đại biểu tại đại hội đảng vào tháng 7 tới. Hiện ông Bai-đơn đã có trong tay cam kết ủng hộ của 566 đại biểu, trong khi con số mà ông Xan-đơ nhận được là 501. Trong khi đó, Tổng thống Ð.Trăm có được 859 phiếu đại cử tri, tiến gần mục tiêu 1.276 phiếu để giành đề cử của đảng Cộng hòa. Ðối thủ mạnh nhất của ông Trăm trong đảng Cộng hòa là cựu nghị sĩ bang Ma-xa-chu-xét B.Oen, mới chỉ có vỏn vẹn một phiếu.

Luôn có nhiều bất ngờ cho tới tận phút cuối là điều khiến các cuộc bầu cử ở Mỹ thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Mỹ, mà còn của dư luận quốc tế. Từ nay tới ngày bầu cử chính thức 3-11 tới vẫn còn thời gian để các ứng cử viên của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tiếp tục khẳng định vị thế và bứt phá.

ÐINH TRƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43501702-but-pha.html