Bưu chính nỗ lực trở thành doanh nghiệp công nghệ

Trong bối cảnh các nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ, dịch vụ bưu chính truyền thống sụt giảm trên toàn cầu đã buộc các doanh nghiệp bưu chính trong nước phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ; đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử để tạo ra các dịch vụ số trong bưu chính…

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) Lê Quốc Anh, công nghệ thông tin đang trở thành nền tảng và công cụ để nâng cao năng suất, chất lượng trên toàn mạng lưới. Hiện, đơn vị có mạng lưới ứng dụng công nghệ thông tin rất lớn với tổng số gần 20.000 máy tính kết nối mạng, hơn 10.000 điểm kết nối mạng trực tuyến (online) để cập nhật phiếu gửi của khách hàng. Bưu điện Việt Nam cũng đã trang bị hệ thống chia chọn tự động (công suất 18.000 bưu phẩm/giờ), giúp phân phối hàng hóa nhanh chóng, bảo đảm chất lượng, đồng thời cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời.

Với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), ông Phạm Văn Tuyên, Phó Tổng Giám đốc cho biết, công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ toàn diện hoạt động sản xuất cũng như khâu quản lý, điều hành. Viettel Post cũng đã đưa vào khai thác băng chuyền chia chọn bưu phẩm tự động công suất 8.000 bưu phẩm/giờ (có thể nâng cấp lên quy mô 36.000 bưu phẩm/giờ).

Với thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp bưu chính lớn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, có một thực tế, sự ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới đã cạnh tranh trực tiếp với bưu chính truyền thống.

Trong đánh giá về tổng doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2019, Vụ Bưu chính (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, khoảng cách doanh thu từ bưu chính và tổng doanh thu đạt được ngày càng có chiều hướng nới rộng… Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần yêu cầu, các doanh nghiệp bưu chính cần thay đổi mô hình hoạt động, trở thành các công ty về công nghệ, đặc biệt hướng tới phục vụ khách hàng cá nhân, hộ gia đình hơn nữa.

Về hướng phát triển này, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong số các dự án chuyển đổi số, VietnamPost đặc biệt coi trọng dự án về phát triển sản phẩm dịch vụ số và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ kết hợp số và vật lý. Với thế mạnh sở hữu cơ sở dữ liệu mã địa chỉ bưu chính, tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, nên Bưu điện Việt Nam xây dựng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hướng tới phục vụ các hộ gia đình, bước đầu ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, Viettel Post tiếp tục triển khai hành trình chuyển đổi số. Từ thành công bước đầu đã triển khai như "Ứng dụng chuyển phát Viettel Post” (năm 2019) rút ngắn thời gian tiếp nhận yêu cầu chỉ còn 3-5 giây, giúp tăng đơn hàng lên gấp 3 lần so với trước. Việc chuyển hướng đầu tư phát triển các dịch vụ mới trên nền công nghệ là hướng đi đúng mà các doanh nghiệp bưu chính đặt ra.

Về việc chuyển hướng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, kinh doanh trên mạng xã hội và nền tảng di động đang trở thành xu hướng, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân. Các doanh nghiệp VietnamPost và Viettel Post không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trên quy mô toàn quốc, mà còn cho thấy việc họ mở rộng phát triển hệ sinh thái đa dịch vụ sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo ra nguồn thu mới.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/959089/buu-chinh-no-luc-tro-thanh-doanh-nghiep-cong-nghe